Làm giàu trên mảnh đất quê hương

03:11, 16/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trong khi nhiều thanh niên nông thôn tìm cách đi làm ăn xa, đến các thành phố lớn thì không ít những thanh niên lại quyết gắn bó và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê mình. Trong quá trình lập thân lập nghiệp, nhiều thanh niên không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng mà đã biết chủ động liên kết, thành lập các tổ liên kết, hợp tác xã để cùng giúp nhau làm phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

TIN LIÊN QUAN

Mạnh dạn phát triển kinh tế

Chúng tôi đến thăm gia đình thanh niên Huỳnh Tấn Phát- chủ trang trại chăn nuôi heo khép kín ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông  (Nghĩa Hành) trong một ngày trung tuần tháng 11, khi anh đang tiến hành xây dựng để mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi heo của gia đình.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về trang trại của anh, tạm gác công việc, lau vội giọt mồ hôi, anh không ngần ngại dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về mô hình chăn nuôi của mình.  Với ánh mắt lấp lánh niềm vui, vừa đi anh anh vừa chia sẻ, ban đầu gia đình anh chỉ nuôi nhỏ lẻ vài con heo thịt theo hình thức kinh tế hộ.

Qua một thời gian chăn nuôi, thấy hiệu quả mang lại khá, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, nên đầu năm 2010, từ số tiền tích góp được và vay mượn thêm anh đã mạnh dạn bàn cùng gia đình để đầu tư mở rộng thêm diện tích chuồng trại theo mô hình chăn nuôi theo quy trình khép kín và tăng số lượng đàn heo lên.

Theo anh Phát, lúc đầu anh chỉ chỉ chăn nuôi heo thịt, một thời gian sau, anh mở rộng thêm chăn nuôi heo nái nhằm chủ động nguồn giống có chất lượng để chăn nuôi heo thịt thương phẩm đạt hiện quả cao. Hiện nay, trang trại của anh có 15 heo nái giống và trên 200 con heo thịt. Bình quân mỗi năm xuất ra thị trường trên 30 tấn thịt heo thương phẩm, trừ chi phí còn thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Trang trại nuôi heo của anh được xây dựng, quản lý một cách khoa học, bao gồm khu nuôi lợn nái sinh sản, khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị và khu chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phân heo thải ra, anh xây dựng hầm khí biogas để tận dụng khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa hạn chế dịch bệnh có thể gây hại cho đàn heo.

 

Nhiều thanh niên nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trên chính mãnh đất quê hương của minh

Mô hình chăn nuôi heo khép kín của anh Huỳnh Tấn Phát mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thành công nhất định từ quá trình xây dựng mô hình chăn nuôi heo theo quy trình khép kín, giờ đây anh Phát đã trở thành tấm gương sáng tiêu biểu cho thanh niên và bà con xã Hành Tín Đông  tích cực học hỏi và áp dụng để nâng cao thu nhập, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Cũng nuôi ước mơ làm giàu trên quê hương, từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí vươn lên, dám nghĩ dám làm anh Hồ Quang Linh ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) hiện nay đã có trong tay một cơ ngơi khá lớn. Hai khu chuồng trại nuôi heo với số lượng gần 200 con heo; 13ha keo, đàn bò hơn 10 con và 1 chiếc xe vận tải làm dịch vụ ở địa phương. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, Hồ Quang Linh đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Anh Hồ Quang Linh  cho hay: Khi khởi nghiệp mình thiếu thốn nhiều thứ lắm: kinh nghiệm, kiến thức, vốn… nên cũng đôi lần thất bại. Và sau mỗi lần thất bại đó mình rút ra kinh nghiệm và càng quyết tâm trau dồi, tìm hiểu thêm kiến thức về chăn nuôi; đồng thời, dành thời gian để đi tham quan, học hỏi những mô hình trang trại làm ăn có hiệu quả để áp dụng những yếu tố phù hợp với trang trại của mình. Nhờ đó, việc chăn nuôi heo, bò, trồng rừng của mình giờ đã thuận lợi hơn.

Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp này, trừ chi phí, mỗi năm anh Linh có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Đây thực sự là một con số đáng mơ ước với nhiều thanh niên cùng địa phương.  Việc thành công và đem lại thu nhập cao từ mô hình kinh tế của Hồ Quang Linh, thêm một lần nữa khẳng định, để làm giàu trên quê hương là một điều không khó đối với những thanh niên có ý chí nghị lực vươn lên, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm.

Liên kết cùng làm giàu

Trong quá trình lập thân lập nghiệp, nhiều thanh niên không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng mà đã biết chủ động cùng nhau liên kết hợp tác thông qua các hợp tác xã (HTX) để phát triển kinh tế, tạo động lực cùng nhau phát triển kinh tế ngày càng hiệu quả hơn.  

Điển hình như HTX chăn nuôi Tân Hòa Phú ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), từ 7 thành viên lúc ban đầu, sau 6 tháng hoạt động HTX đã có 13 thành viên. Đồng thời, từ vài trăm con gia súc, gia cầm trước đây, đến nay HTX đã phát triển đàn heo, bò hơn 1.000 con và gần 3.000 con gà, vịt. Tuy chưa tính được lợi nhuận do mới thành lập và tiếp tục tái đầu tư, nhưng những ưu điểm khi cùng tham gia phát triển bằng hình thức HTX thì thành viên nào cũng thấy rõ.

Anh Lê Quang Trung- thành viên HTX chăn nuôi Tân Hòa Phú cho biết: Khi tham gia vào HTX được lợi rất nhiều, nhất là việc tìm ra cho sản phẩm. Như  bản thân tôi trước đây khi chưa tham gia vào HTX  thì mình phải bán qua khâu trung gian còn nay mình tìm đầu ra tận gốc luôn, vì quy mô lớn và bán số lượng nhiều.

Bên cạnh đó, trong HTX chúng tôi còn liên kết vốn để làm ra thức ăn tự chế và thức ăn dự trữ mùa mưa nhằm giảm chi phí. Đặc biệt, đối với anh em chưa đủ điều kiện để phát triển bầy đàn thì anh em trong HTX cùng nhau hỗ trợ cho mượn tiền để họ phát triển. Khi có lãi rồi thì thu lại số tiền đó để hỗ trợ cho anh em khác.

Nhiều thanh niên nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trên chính mãnh đất quê hương của minh
Nhiều thanh niên nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình

Không chỉ góp phần tạo việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho thanh niên mà chính những HTX này đã giải quyết lao động mùa vụ ở nông thôn; và ý nghĩa hơn đó là giúp thanh niên nông thôn yên tâm ở lại lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Lê Tấn Nhiễu- thành viên HTX chăn nuôi Tân Hòa Phú chia sẻ: Những năm trước, mình vào Sài Gòn mưu sinh nhưng điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, mấy lần về nhà thấy anh em thanh niên ở quê phát triển chăn nuôi có hiệu quả nên mình quyết định về quê lập nghiệp và xin tham gia vào HTX làm chung.

Mới vào, anh em giúp đỡ mình rất nhiều về kỹ thuật chăn nuôi rồi cho mượn vốn… Đến nay, mình cũng đã cũng gầy dựng được bầy đàn riêng cho mình,cuộc sống cũng đã tạm ổn định. Giờ mình quyết bám trụ ở quê luôn làm ăn, chứ không ly hương nữa.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 15 mô hình HTX thanh niên phát triển kinh tế. Mô hình ra đời lâu nhất là 3 năm và ít nhất là 6 tháng. Đối với nguồn vốn hoạt động của HTX, các tổ hợp tác, ngoài nguồn đóng góp của các tổ viên, các cấp bộ Đoàn còn vận dụng có hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Trung ương Đoàn và nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn trên 260 tỉ đồng để hỗ trợ vốn vay cho thanh niên.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thanh niên nhận thức rõ trong việc tự thân lập nghiệp làm giàu cho bản thân. Đồng thời, tiến hành rà soát lại những mô hình phát triển kinh tế, những HTX  từ đó giới thiệu nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Cùng với đó, tập trung quản lý các tổ vay vốn và phối hợp với Ngân hàng để thanh niên được tiếp cận các nguồn vay vốn thuận lợi… Qua đó, giúp thanh niên nông thôn có thêm động lực để tự tin lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Có thể nói, với con số 15 HTX thanh niên trên toàn tỉnh- đây là con số không lớn, song, với việc hình thành các HTX thanh  iên, các tổ hợp tác sản xuất bước đầu đem lại hiệu quả, giúp thanh niên có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập. Trong điều kiện còn khó khăn, những mô hình liên kết như thế này đã chứng tỏ vai trò xung kích của thanh niên nông thôn, cổ vũ, khuyến khích họ lập nghiệp, làm giàu trên quê hương.


Bảo Ngọc

 


.