Chuột biết dò mìn

03:10, 18/10/2012
.

Một nhà nghiên cứu của Đại học City (tại New York, Mỹ) vừa cho biết, với khứu giác nhạy gấp 500 lần chuột thường, những con chuột biến đổi gene có thể trở thành... "chiến binh" dò mìn cự phách.
 

Chuột phát hiện được thuốc nổ là nhờ khoảng vài nghìn tế bào thần kinh nhạy cảm mùi trong mũi. Nhưng nhờ kỹ thuật biến đổi gene, số lượng tế bào thần kinh cảm nhận mùi tăng lên tới một triệu tế bào nên khả năng phát hiện mùi thuốc nổ DNT (loại thuốc nổ phổ biến trong mìn) của chúng tăng lên tới 500 lần. Giờ đây “những chiến binh” này có thể giúp cơ quan hải quan, anh ninh và các nhà quân sự trong rà phá mìn rất đắc lực.

Kết quả thử nghiệm cho thấy các chú chuột này có thể phát hiện lượng thuốc nổ cực nhỏ trong phòng thí nghiệm. Chỉ với hai chú chuột , chúng có thể phát hiện toàn bộ mìn trong một khu vực có diện tích 300m2 chỉ trong hai giờ, tương đương với 2 chuyên gia rà mìn trong 2 ngày trên diện tích như thế.

Thực tế, người ta từng huấn luyện thành công chuột túi lớn châu Phi thành những con vật có khả năng dò mìn. Nhưng quá trình huấn luyện chuột túi lớn châu Phi kéo dài tới 9 tháng theo phương pháp phản xạ có điều kiện. Còn chuột biến đổi gene của Đại học City có thể phát hiện mìn ngay cả khi không được huấn luyện. Nó nhạy cảm với mùi DNT như bản năng, tập tính.

Lợi thế của chuột là chúng có trọng lượng nhỏ, nên nếu chúng giẫm lên mìn thì không nổ. Các chip điện tử siêu nhỏ được cấy dưới da chuột sẽ phát tín hiệu tới máy tính khi chúng phát hiện mùi DNT. Tọa độ của chuột là tọa độ của mìn.

Hiện trên thế giới có khoảng 72 nước bị ô nhiễm hoặc bị ảnh hưởng của bom mìn. Nhu cầu rà phá mìn rất lớn.



Theo Trần Văn/Chinhphu.vn


.