Nguồn lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước: Cần giải pháp căn cơ

12:08, 30/08/2012
.

(QNg)- Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) được xem là yếu tố quyết định đến tiến độ mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về CNTT vào năm 2015, cũng như kết quả thực hiện "Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015" của Chính phủ. Nhưng đến thời điểm này, hoạt động CNTT trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh ta xem ra vẫn còn tẻ nhạt…

 

Kỳ 1:  Thiếu con người, yếu hạ tầng


Trong khi hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước (CQ) vắng cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ thì nhiều sinh viên ngành CNTT lại thất nghiệp sau khi ra trường. Đã thế, hoạt động CNTT trong các CQ cũng chưa nhận được sự quan tâm của người đứng đầu nên chỉ diễn ra theo kiểu cầm chừng, chiếu lệ...

 



Theo báo cáo của Sở TT&TT thì đến nay, toàn tỉnh có hơn 90% CQ đã bố trí cán bộ phụ trách CNTT. Nhưng vì trình độ chuyên môn hạn chế, lại làm việc theo kiểu kiêm nhiệm, không có thời gian để học tập và nghiên cứu về CNTT nên dù cố lắm, họ cũng chỉ giúp hệ thống mạng nội bộ… chạy được, còn hiệu quả thì phụ thuộc vào thói quen của người sử dụng!


Cử nhân CNTT:  Vật vã tìm việc

Cầm tấm bằng Cử nhân ngành Tin học quản lý của Trường ĐH Kinh tế TP HCM, T.T.X.M. (Nghĩa Hành) tự tin nộp đơn vào các cơ quan, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh những mong tìm được chỗ làm phù hợp với chuyên ngành đã học, lại được gần nhà, gần bố mẹ. Tuy nhiên, suốt 4 tháng ròng rã "nộp" hơn chục bộ hồ sơ xin việc nhưng ngoài các DN thông báo tiếp nhận thì chẳng có CQ nào  gọi M. khăn gói vào TP HCM và đầu quân về phòng IT của Ngân hàng Nhà nước. Giờ mỗi lần nhắc lại chuyện xin việc ở quê, M. chỉ cười và bảo rằng: "Mình không ngờ các cơ quan nhà nước ở tỉnh ta lại chọn người kỹ đến vậy"!

Còn N.T.V. (Đức Phổ) thì mất dần hy vọng khi hàng loạt hồ sơ xin việc được gửi đến các CQ, nhưng thông tin phản hồi thì vẫn bặt vô âm tín. V. bảo rằng sau khi tốt nghiệp ngành CNTT của Trường ĐH Phạm Văn Đồng, em cũng như các bạn trong lớp đều xác định sẽ "Nam tiến" để dễ tìm việc. Tuy nhiên, do bận đi làm ăn xa nên bố mẹ muốn V. xin việc làm ở quê để tiện chăm sóc các em đang tuổi ăn tuổi lớn. "Với lại, em nghe nói tỉnh mình có Đề án đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Nếu như thế thì các huyện đều cần cán bộ chuyên trách CNTT, tụi em cũng có nhiều cơ hội. Nhưng đến giờ đã có địa phương nào chịu tuyển dụng đâu, họ bảo… không có nhu cầu!", V. buồn bã nói.

Các học viên tham gia khóa tập huấn Quản trị mạng do Sở TT&TT phối hợp với Trường CĐ Việt-Hàn tổ chức.
Các học viên tham gia khóa tập huấn Quản trị mạng do Sở TT&TT phối hợp với Trường CĐ Việt-Hàn tổ chức.


Theo báo cáo của Trường ĐH Phạm Văn Đồng thì hàng năm, trường cho "ra lò" trên dưới 100 sinh viên chuyên ngành CNTT, nhưng hầu hết những Cử nhân này đều "đầu quân" về các DN ngoại tỉnh, chứ hiếm có em nào xin vào được CQ. Ấy vậy mới có hơn 90% CQ không có cán bộ chuyên trách CNTT, khiến cho hoạt động CNTT ở các đơn vị này cũng chỉ dừng lại ở mức biết… soạn thảo văn bản, check mail hay lướt web!

Xử lý công việc: Chuộng dùng giấy, nhát nhấp chuột

TIN LIÊN QUAN
Hầu hết các CQ trên địa bàn tỉnh đã đầu tư và trang bị hạ tầng, đủ sức đáp ứng nhu cầu tối thiểu về ứng dụng CNTT nội bộ nên người sử dụng (cán bộ, nhân viên và người quản lý) có nhiều điều kiện tiếp cận với CNTT. Tuy nhiên, dù tỷ lệ người biết sử dụng máy vi tính tăng cao, nhưng số người sử dụng thành thạo thì quả là hiếm. Bởi dù không được đào tạo CNTT nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc với máy vi tính, ai cũng có thể thực hiện được những thao tác sơ đẳng nhất như: Soạn thảo văn bản, check mail, xem tin tức trên mạng… "Nhưng để xử lý và giao dịch công việc theo kiểu "nhấp chuột" thì họ chịu vì nhiều lý do như: Trình độ chuyên môn hạn chế, thói quen dùng văn bản giấy hay người đứng đầu chưa có các thiết chế ràng buộc", Thạc sĩ Trần Thanh Trường - Phó giám đốc Sở TT&TT khẳng định.

Cũng theo ông Trường thì hiện nay, nhiều CQ và địa phương đã trang bị phần mềm quản lý văn bản và điều hành eOffice. Đây được xem là bước đi đột phá bởi hệ thống này giúp người sử dụng chia sẻ và xử lý nhanh các thông tin về văn bản, hồ sơ công việc, phục vụ tốt yêu cầu của lãnh đạo và cán bộ chuyên môn, góp phần hình thành thói quen trao đổi thông tin điện tử để tiến tới việc tin học hóa thủ tục hành chính trong các CQ. Dù hữu ích là vậy, nhưng thực tế, nhiều tính năng của eOffice lại được ưu ái cho… ở ẩn! Đơn cử như việc phát hành thư mời, góp ý báo cáo hay văn bản… thì người sử dụng vẫn thích in ra giấy hơn là nhấp chuột. Lý giải điều này, các cán bộ văn phòng bảo rằng họ sợ phải nghe "tôi không đi họp vì không nhận được thông tin". Xảy ra tình trạng này là vì giấy mời đã được phát hành qua mail hay hệ thống mạng nội bộ trước đó vài ngày, nhưng do mạng chập chờn hoặc đại biểu quên check mail nên không biết. Vậy là để cho an toàn, cơ quan nào cũng có bưu tá để làm nhiệm vụ đi gửi thư mời, văn bản!

Ngay như huyện Sơn Hà, địa phương vốn được xem là nổi trội về việc ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính cũng đang lúng túng với "điện tử hóa", mặc dù tỷ lệ người sử dụng phần mềm để trao đổi văn bản, dữ liệu đã đạt hơn 50%. Và tuy 14 xã, thị trấn đã được trang bị máy tính có nối mạng internet, nhưng các loại văn bản, báo cáo, thư mời vẫn được gửi đi bằng… xe máy! "Mạng thì lúc có lúc không, máy chủ thì chỉ được có 1 nên lỡ nó bị trục trặc là xem như toàn bộ dữ liệu bị… kẹt. Do đó, dù không muốn nhưng chúng tôi vẫn phải xử lý và giao dịch thông tin bằng cả hai cách: Nhờ bưu điện và mạng", ông Đặng Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà thừa nhận. Và đó cũng là tình trạng chung ở các CQ trên địa bàn tỉnh hiện nay.


Bài, ảnh: Mỹ Hoa
(Còn nữa)
 


.