Czech được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ thay thế Nga

07:05, 11/05/2022
.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu Cộng hòa Czech vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thay thế Nga, sau khi tư cách thành viên của Matxcơva tại cơ quan này bị đình chỉ hồi tháng 4. Quyết định có giá trị lập tức.
 
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu qua video tại một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ - Ảnh: AFP
Tại một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ - Ảnh: AFP
Trong cuộc bỏ phiếu bổ sung ngày 10-5 tại New York (Mỹ), theo Hãng tin AFP, Cộng hòa Czech đã được bầu vào vị trí thay thế Nga ngay lập tức tại hội đồng với 47 thành viên này trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 3 năm sẽ kết thúc vào cuối năm 2023. 
 
Có 180/193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tham gia bỏ phiếu, trong đó có 157 nước ủng hộ Cộng hòa Czech, 23 nước bỏ phiếu trắng. 
 
Cùng ngày, phiên họp bất thường của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) theo yêu cầu của Ukraine do "tình hình nhân quyền xấu đi tại Ukraine".
 
Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được 15 quốc gia thành viên của hội đồng ủng hộ cùng hơn 35 quốc gia có vai trò quan sát viên. Đây là phiên họp đầu tiên kể từ khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đình chỉ tư cách của Nga.
 
Từ Matxcơva, bà Maria Zakharova - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - tuyên bố: "Phái đoàn Nga không tham dự màn diễn chính trị mới được tổ chức dưới tên gọi phiên họp bất thường này".
 
Nga được phép tham dự phiên họp này với vai trò quan sát viên nhưng đã không có mặt, theo giải thích của bà Zakharova là do "những lập luận và dẫn giải của Nga về các mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt cũng như tình hình thực địa đích thực đã bị lờ đi và chắc chắn lần này cũng sẽ như thế".
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án phiên họp bất thường này là "bước đi mới chống Nga của toàn thể phương Tây", theo AFP.
 
Trước đó, vào ngày 7-4, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong cơ quan có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Nga ngay lập tức cũng đã quyết định rút khỏi hội đồng và chỉ còn có vai trò quan sát viên.
 
Hội đồng Nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập năm 2006 với nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu. 47 thành viên của Hội đồng được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu giữ nhiệm kỳ 3 năm so le nhau.
 
Mỗi quốc gia chỉ có thể nằm trong Hội đồng Nhân quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp và phải chờ sau 1 năm mới có thể ứng cử cho nhiệm kỳ kế tiếp.
 
Theo TÚ ANH/Tuoitre.vn
 

.