Quản lý di tích lịch sử, văn hóa: Cần cộng đồng trách nhiệm

02:09, 08/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa... đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các di tích này vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục. 
 
[links()]
 
Du khách tham quan nhà trưng bày Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ).                 Ảnh: TRÍ PHONG
Du khách tham quan nhà trưng bày Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ). Ảnh: TRÍ PHONG
Theo Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong số 254 di tích, Sở VH-TT&DL chỉ quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ, di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng, Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường. Các di tích còn lại giao cấp huyện và cấp xã quản lý.
 
Từ nhiều nguồn vốn, các đơn vị, địa phương đã đầu tư tôn tạo nhiều di tích. Từ năm 2013 đến nay, có 100 di tích được trùng tu, tôn tạo và phát huy được giá trị. Tuy nhiên, việc quản lý di tích theo phân cấp còn nhiều hạn chế. Việc khoanh vùng, cắm mốc giới di tích thực hiện chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất di tích xảy ra ở một số địa phương. Phần lớn các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
 
Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 38/254 di tích có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, thực trạng xâm hại, lấn chiếm di tích xảy ra ở nhiều địa phương. Ở nhiều nơi, di tích bị lấn chiếm làm đường đi, hồ nuôi tôm, đất canh tác, xây dựng lều quán...
 
Theo Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộ Đức Võ Hoài Linh, từ khi phân cấp quản lý cho địa phương, huyện đã cắm mốc, khoanh vùng, đặt bia, quản lý các di tích; đồng thời tu bổ, sửa chữa một số di tích xuống cấp. Tuy nhiên, nhiều di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó khăn cho công tác khoanh vùng bảo vệ. Riêng đối với Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau hơn 1 năm giao huyện quản lý, cũng đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí quản lý, vận hành. 
 
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin  huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh cho hay, đối với di tích quốc gia Trường Lũy vẫn còn xảy ra tình trạng bị lấn chiếm. Nhiều địa phương cho rằng, do khó khăn về kinh phí nên việc duy tu, bảo vệ di tích còn hạn chế. Bên cạnh đó, cán bộ cấp xã kiêm nhiều việc nên công tác quản lý di tích chưa đáp ứng yêu cầu... Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, để công tác quản lý di tích đạt hiệu quả cần sự chung tay của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Một số địa phương triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan, nhưng chưa chú trọng đến việc bảo tồn, xuất hiện tình trạng khai thác quá mức ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản. Nhân lực quản lý di tích cấp tỉnh cũng như ở cơ sở còn mỏng... 
 
Di tích quốc gia chùa Ông, ở xã Nghĩa Hòa ( Tư Nghĩa) được UBND tỉnh đầu tư 15 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo.
Di tích quốc gia chùa Ông, ở xã Nghĩa Hòa ( Tư Nghĩa) được UBND tỉnh đầu tư 15 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo.
Thời gian tới, toàn ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Sở VH-TT&DL đề nghị Sở TN&MT kịp thời hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc khoanh vùng, cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích. Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý các công trình xây dựng tại các di tích...
 
Kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm 
 
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Sở sẽ chỉ đạo các phòng quản lý chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa. Việc làm này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm và hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng và khai thác giá trị di tích...
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 

.