Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

10:05, 23/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Tư Nghĩa có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích, nhằm phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch.
 
[links()]
 
Chung tay trùng tu, tôn tạo di tích
 
Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của huyện Tư Nghĩa lưu giữ những trang sử hào hùng của dân tộc như: Di tích bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp, Vụ thảm sát thôn 2 Nghĩa Lâm, Chiến thắng Xuân Phổ ở xã Nghĩa Kỳ, Cấm Nghè Tộ... Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, bên cạnh ngân sách nhà nước, huyện Tư Nghĩa đã huy động các nguồn lực xã hội.
 
Du khách viếng hương tại Khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê.
Du khách viếng hương tại Khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê.
Đình Điền Trang, ở xã Nghĩa Trung, là một trong những di tích được trùng tu năm 2022 có sự đóng góp của người dân hơn 1 tỷ đồng. Trước đây, ngôi đình bị xuống cấp, hư hỏng. Để bảo vệ di tích, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân, những người con xa quê chung tay đóng góp xây dựng khuôn viên đình. Ông Bùi Tá Hựu (80 tuổi), quản lý đình Điền Trang cho biết, nhờ nguồn đóng góp của người dân mà đình được trùng tu, xây dựng rất khang trang. Hiện đình đang bảo quản bộ Yoni bằng đá nguyên khối khoảng thế kỷ IX có chiều ngang 43cm, dài 53cm, dày 13cm. Điểm di tích này đã thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, sinh hoạt văn hóa.
 
Tọa lạc ở tổ dân phố 4, thị trấn La Hà, đình La Hà cũng có tuổi đời hơn 200 năm và là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử. Đình được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2018. Trước việc ngôi đình hiện đang xuống cấp nặng, năm 2022, huyện Tư Nghĩa đã kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân đóng góp để trùng tu lại đình La Hà, với kinh phí dự kiến trên 5 tỷ đồng.
 
Theo Trưởng ban phụng sự đình La Hà Võ Mừng, đình La Hà là nơi lưu giữ rất nhiều sắc phong của các vua Triều Nguyễn còn nguyên vẹn. Đây là nơi duy trì việc thờ cúng vào dịp Xuân kỳ, Thu tế. Do đó, việc bảo vệ đình La Hà không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, mà có sự chung tay, đóng góp của người dân.
 
Điểm đến của người dân, du khách
 
Huyện Tư Nghĩa hiện có 20 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là Di tích chùa Ông và Di tích Trường Lũy; 6 di tích được công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh và 12 di tích được khoanh vùng bảo vệ.

Khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê tại xã Nghĩa Hòa vừa đón nhận bằng Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Khu lưu niệm mới được trùng tu với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó đóng góp chủ yếu là của họ tộc nhà thơ Bích Khê. Khuôn viên di tích cổ kính, thơ mộng, rộng rãi và thoáng đãng, với nhiều cây cảnh, những câu thơ nổi tiếng được trang trí trên các khối đá tự nhiên... là địa điểm lý tưởng của nhiều du khách.

 
Trong khi đó, Di tích chùa Ông, ở xã Nghĩa Hòa đã trải qua 4 lần trùng tu; trong đó, phần lớn là nguồn kinh phí xã hội hóa. Tồn tại gần 300 năm, di tích này không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa lưu giữ những giá trị văn hóa quý giá, mà còn là địa điểm tâm linh thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, cầu an hằng năm.
 
Bên cạnh việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, những năm gần đây, huyện Tư Nghĩa  đã dành một khoản ngân sách để trùng tu, tôn tạo một số di tích tại các địa phương như: Di tích vụ thảm sát thôn 2, xã Nghĩa Lâm; Nhà lưu niệm đồng chí Trần Kiên, ở xã Nghĩa Kỳ... Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng, tôn tạo các di tích bao gồm kinh phí xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho hay, hằng năm huyện đều có kế hoạch rà soát nhu cầu trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, từ đó kịp thời, chủ động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Trong thời gian đến, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 

.