Truyện ngắn: Hủ tiếu gõ ở miền xa

08:09, 13/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trọng vẫn chưa bao giờ hỏi Liên vì sao Liên lại ghiền món hủ tiếu đến vậy. Ở thành phố tỉnh lẻ này, dẫu chưa sầm uất như các nơi khác, nhưng cũng đủ sôi động để mỗi khi đường phố lên đèn là hàng quán không thiếu. Nhưng lần nào cũng thế, khi Trọng mời Liên đi ăn, Liên lại buột miệng: “Hủ tiếu anh nhé”. Cứ như thể đối với Liên, món hủ tiếu đã in sâu trong tiềm thức. Trọng nhìn Liên rồi cả hai bật cười khanh khách. Bởi thương Liên nên Trọng thương luôn cả món hủ tiếu gắn bó với cả một miền tuổi thơ của người thương.

Buổi chiều. Cha Liên vừa đi làm đồng về, gác cây cuốc lên mái hiên sau nhà, rồi nói vọng vào trong nhà nơi có mẹ con Liên chờ sẵn bên mâm cơm:

- Ăn cơm rồi ngủ sớm để sáng mai nhà mình lên đường.

Hồi ấy, Liên vừa học xong lớp ba, bắt đầu kỳ nghỉ hè với lũ bạn cùng quê. Liên vừa nghĩ đến dịp hè, sẽ tranh thủ đi hái ớt thuê, kiếm thêm tiền mua sách vở cho năm học mới. Rồi Liên cùng lũ bạn thả diều giấy trên cánh đồng mênh mông và chơi trốn tìm trong mảnh vườn sau nhà. Nhưng rồi cánh đồng và mảnh vườn khô cằn ấy không mang lại những mùa bội thu, dẫu cha mẹ Liên đã rất siêng năng làm lụng. Vì thế, kỳ nghỉ hè này không giống những mùa hè năm trước, không còn diều giấy, không còn những tiếng cười nắc nẻ của tụi bạn. Không còn những điều quen thuộc nữa, mùa hè này sẽ có những điều khác biệt. Ngày mai, mẹ con Liên theo cha bắt đầu hành trình mới ở một miền xa tít, mà trong tâm trí Liên vẫn chưa kịp mường tượng miền xa ấy ra sao...


Bến xe Miền Đông đông nghịt người. Tấp nập. Ồn ào. Sài Gòn hiện ra trước mắt Liên là những ngôi nhà san sát nhau. Đường phố ken đặc xe cộ...

Liên thức dậy sau đêm đầu tiên ngủ ở nơi đất khách. Xung quanh Liên không còn những âm thanh quen thuộc của đồng quê. Tiếng gà gáy ò..ó..o... ngoài trụ rơm, cặp heo ọ ẹ đòi ăn ngoài chuồng, bầy chim sẻ ríu rít trên tán ổi... đã cách xa Liên gần hai chục giờ đi xe khách. Ông Năm chở cha Liên đi từ sáng sớm vừa về. Cha Liên vác theo thùng to đựng đầy đồ. Đó là những vật dụng cha Liên chuẩn bị cho những ngày tháng mưu sinh sắp đến.

Gác lại những tháng ngày nhọc nhằn với hạt giống, phân bón, với cái cày, cái cuốc, giờ đây cha mẹ Liên chuyển sang nghề bán hủ tiếu. Liên chưa biết hủ tiếu là gì vì trước giờ ở quê Liên, người ta chỉ thường ăn cơm mà thôi. Nhà nào sang hơn thì lên đầu xóm có chỗ bán cháo lòng buổi sáng. Tất nhiên, Liên biết cha mẹ cũng chưa biết hủ tiếu là gì. Những ngày đầu, ông Năm và chú Tư sẽ phụ giúp cho gia đình Liên làm quen với công việc.

Buổi tối. Người đến ăn thưa hẳn. Liên theo cha, tay cầm hai thanh gỗ. Tiếng lốc cốc vang theo những bước chân Liên đã quen thuộc với từng ngóc ngách của phố thị. Và rồi, những tô hủ tiếu cùng âm thanh lốc cốc đã cuốn nhiều mùa hè của Liên trôi qua kể từ ngày đầu tiên cả nhà Liên vào Sài Gòn. Ai đó đã nói, hủ tiếu gõ là món ăn đậm chất bình dị, đơn giản, nhưng từ lúc nào không hay nó đã trở thành một phần của đất Sài Gòn.

Hủ tiếu là món ăn bình dân nên thực khách cũng đa phần đều bình dị. Và hầu hết những người bán hủ tiếu gõ cũng xuất thân từ bình dân. Cha mẹ Liên là một trong số ấy. Ngày nào cũng vậy, hai người cần mẫn thức dậy từ sáng sớm, đi chợ đầu mối mua nguyên liệu. Quần quật cả ngày để đến tầm 4-5 giờ chiều, cha mẹ Liên lại đẩy xe hủ tiếu ra đầu hẻm quen để bán. Sau giờ học, Liên là người phụ việc đắc lực.

Cha Liên vốc một ngụm giá cùng với nắm hủ tiếu trụng vào nồi nước. Ông cho hủ tiếu và giá vào tô, rồi gắp thêm cục xương heo, miếng thịt nạc, miếng chả mỏng để lên trên, điểm thêm màu xanh của lá hẹ xắt nhỏ. Cha Liên dùng cái muỗng to múc nước lèo chan vào tô, thêm ít hành phi, tiêu. Tô hủ tiếu dậy mùi thơm lừng. Liên bưng đến cho khách.

Nhờ xe hủ tiếu, cha mẹ Liên có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài dành dụm tiết kiệm, phần còn lại cha mẹ Liên trang trải cho cuộc sống và nuôi Liên ăn học. Góc nhỏ ở xóm trọ xập xệ của những người xa quê rộn rã hẳn lên, bởi đây là lần đầu tiên xóm nhỏ có người thi đỗ đại học. Cầm tờ giấy thông báo trúng tuyển của con, cha Liên chảy nước mắt. Tóc ông đã lâm râm sợi bạc. Khuôn mặt hằn những nếp nhăn như giãn ra trước niềm vui quá đỗi lớn lao. Hạnh phúc sau bao ngày ngóng chờ của ông nhẹ nhàng đến như tia sáng lấp lánh thắp lên niềm tin lạc quan cho những người con bôn ba nơi xứ người. Cha mẹ Liên từng gói ghém bao niềm thương nhớ quê hương vào trong lòng, để mỗi ngày họ tiếp tục miệt mài mưu sinh dưới mái tôn nóng hầm hập, thủng lỗ chỗ trong căn nhà trọ chật chội nơi phương xa. Niềm tin đó, họ đặt vào Liên.

-  Tưởng ở thành phố thì ở nhà cửa ra sao, ai ngờ xập xệ thế này.

Tiếng ai đó vang lên. Liên cảm thấy se sắt trong lòng. Trong lớp đại học, Liên có nhiều người bạn cùng quê. Mọi người mau chóng kết thân với nhau. Bốn năm học nơi giảng đường sắp trôi qua, nhóm bạn bàn cùng nhau đến nhà Liên chơi. Dẫu gì, bạn bè đều biết Liên theo cha mẹ vào Sài Gòn từ nhỏ nên ai cũng háo hức đến thăm nhà. Liên hăng hái dọn nhà gọn gàng để đón bạn.

Trọng đứng phía sau Liên khi ai đó vô tình buột miệng thốt lên khi vừa bước vào nhà. Chắc trong nhóm bạn đã nghĩ rằng cha mẹ Liên làm ăn lâu năm ở Sài Gòn nên cơ ngơi cũng khang trang lắm. Liên không buồn khi nghe câu nói ấy. Liên chỉ nghĩ về những tháng ngày vất vả đã qua.

Trọng đặt tay lên vai Liên. Liên nhìn vào mắt Trọng, chan chứa cả một bầu trời. Những năm tháng đại học, Trọng là người bạn tốt đã giúp đỡ Liên rất nhiều. Bên khung cửa sổ giảng đường, Liên đã từng kể cho Trọng nghe về những ước mơ và sự nỗ lực vươn lên của một cô bé ở xóm trọ nhỏ. Những lời chia sẻ chân tình để rồi Trọng thấy khung trời của Liên đã trở nên quen thuộc với mình từ khi nào.

Ừ, thôi mình về quê. Cha Liên cười khà một tiếng sau ngày Liên tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ. Niềm vui lấp lánh hiện rõ trong mắt ông. Có lẽ ông chờ ngày này lâu lắm rồi, chỉ để thốt lên câu nói ấy. Nhiều lần Liên bắt gặp ánh mắt đầy luyến tiếc, ngậm ngùi của cha mẹ Liên sau mỗi mùa Tết, cả nhà khăn gói trở lại Sài Gòn. Lần nào trước khi đi, hầu như cả nhà Liên cũng đều thức trắng đêm.

Cha mẹ Liên về quê dùng số tiền tiết kiệm xây ngôi nhà khang trang, kiên cố hơn trên nền nhà cũ. Liên trở thành cô giáo nơi quê hương mình được sinh ra. Ngoài giờ học, tụi học trò nhỏ còn được cô giáo kể về những cuộc mưu sinh nơi xứ người, về tình đồng hương của những người xa quê không ngại ngần giúp đỡ lẫn nhau. Và cả về hương vị của món ăn mộc mạc đã giúp gia đình Liên lập nghiệp.

Trọng biết, trong nỗi nhớ của Liên, món ăn đôi khi không chỉ đơn thuần là món ăn. Đó là cả những ký ức tuổi thơ, kỷ niệm không thể nào quên gợi nhớ một thời gian khó. Liên gọi tên đó là hủ tiếu gõ ở miền xa...


Bảo Hòa
 


.