Có một "đường Hồ Chí Minh" trên làn sóng phát thanh

02:05, 02/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được mệnh danh là “Đường Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh” và dù đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao, nhưng trong tâm thức của những người dân, chiến sĩ thời bấy giờ, Đài Tiếng nói Nam Bộ vẫn còn in sâu trong ký ức của nhiều người.

TIN LIÊN QUAN

Trở lại Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vào những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi tìm đến thôn Thọ Lộc Đông, nằm nép mình bên bờ sông Trà Khúc. Làng quê nhỏ bé mộc mạc này hơn 70 năm về trước là nơi chứng kiến một sự kiện lịch sử, đó là sự ra đời của một đài phát thanh tầm cỡ Quốc gia – Đài Tiếng nói Nam Bộ.

Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ hiện nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học số 2 Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Phát sóng bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp
Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ hiện nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học số 2 Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Phát sóng bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp

Ông Võ Xuân Tâm (62 tuổi), người dân thôn Thọ Lộc Đông nói: “Ngày trước, tôi được các cô, các bác trong làng kể rằng, khi được biết Chính phủ có ý định đặt đài phát thanh ở đây, nhiều bà con đã nhường nhà, nhường đất và nhường cả ngôi đình của làng để làm nơi đặt đài phát thanh”. Đây là đài phát thanh thứ 2 ra đời sau Đài Tiếng nói Việt Nam, được thành lập theo Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện cho Chính phủ miền Nam Trung Bộ đóng tại thôn Thọ Lộc (nay là thôn Thọ Lộc Đông).
 

Đài Tiếng nói Nam Bộ được thành lập vào ngày 20.7.1946, đem tiếng nói chính nghĩa của cách mạng đến với đồng bào, giữ vững lòng tin của nhân dân vào thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cứ mỗi ngày 2 buổi sáng và tối, đài liên tục phát sóng nhiều chương trình phục vụ hoạt động cách mạng, trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực chi viện cho cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.

Thời gian Đài Tiếng nói Nam Bộ hoạt động tại xã Tịnh Hà, để đảm bảo hoạt động an toàn, bí mật, đài có 2 cơ sở. Miếu xóm Gò là nơi được cán bộ, phóng viên Đài Tiếng nói Nam Bộ chọn làm nơi làm việc của Ban biên tập và studio phát thanh, còn nơi đặt máy móc là đình Thọ Lộc, cách nhau khoảng 500m. Đình Thọ Lộc theo thời gian nay đã trở nên hoang phế và gần như mất hẳn dấu vết. Cảnh quan tĩnh mịch của đình, giờ đây đã nhường chỗ cho các lớp học của học sinh Trường Tiểu học số 2 Tịnh Hà.

Tự hào là một ngôi trường được nằm trong khuôn viên của Di tích Quốc gia Đài Tiếng nói Nam Bộ, các thầy cô của nhà trường luôn dạy các em về lịch sử và ý nghĩa của nơi này đối với cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Em Trần Minh Tâm, học sinh lớp 3 bảo: “Cháu hay đến đọc những dòng chữ trên bia tưởng niệm, sau này lớn lên, cháu cũng muốn được trở thành phát thanh viên”.

Hơn 70 năm trôi qua, nhưng dấu ấn của Đài Tiếng nói Nam Bộ vẫn còn in đậm trên đất Quảng Ngãi. Mặc dù thời gian trôi qua rất lâu, nhưng bà con dân làng vẫn lưu truyền những ngày tháng, từ ngôi đình này đã phát đi tiếng nói của Đảng và tiếng nói của nhân dân Nam Bộ kêu gọi toàn dân đứng lên đập tan ách xâm lược của thực dân Pháp. “Đây là Đài Tiếng nói Nam Bộ/tiếng nói đau đớn/tiếng nói căm hờn/tiếng nói chiến đấu”, ông Nguyễn Tấn Xuân người đã từng sống và bám trụ nơi Đài Tiếng nói Nam Bộ hoạt động vẫn thuộc làu câu danh xưng quen thuộc được phát ra mỗi ngày ấy.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ngày càng ác liệt, để đảm bảo bí mật, an toàn cho làn sóng, đài chuyển lên xã Trà Tân (Trà Bồng), đến cuối năm 1947, lại chuyển vào huyện An Lão, tỉnh Bình Định hoạt động cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ núi rừng Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên đến vùng bưng biền Đồng Tháp Mười, mỗi khi chương trình của đài vang lên, đồng bào chiến sĩ như được truyền thêm sức mạnh, ai ai cũng hăng hái thi đua lao động sản xuất, quyết tâm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Dù đi đâu, ở đâu, những cán bộ, phóng viên của đài cũng nhận được sự thương yêu, đùm bọc, chở che của đồng bào.

Trong suốt hơn 7 năm kể từ khi ra đời cho đến buổi phát sóng cuối cùng của đài vào ngày 1.12.1954, Đài Tiếng nói Nam Bộ đã vượt qua bao khó khăn, thử thách ác liệt của chiến trường. Đài đã có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi kịp thời chuyển tải thông tin đến với quần chúng nhân dân, phản ánh sinh động phong trào cách mạng tại địa phương, là nhịp cầu kết nối giữa những cá nhân, tổ chức ái quốc trong và ngoài nước, phổ biến kinh nghiệm kháng chiến...

Năm 1994, Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Dấu ấn Đài Tiếng nói Nam Bộ vẫn luôn sống mãi với thời gian, với dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc và trong tâm thức của các thế hệ nhân dân.


Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.