Báo chí cấp không thu tiền: Trở ngại ở miền núi (Kỳ 1)

09:12, 30/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sắc diện các huyện miền núi Quảng Ngãi trong những năm qua đã có nhiều đổi thay. Cuộc sống đồng bào dần ấm no hơn nhờ hàng trăm chính sách, quyết định được Đảng, Nhà nước ban hành. Vậy nhưng, thời gian qua, chính sách cấp không thu tiền các ấn phẩm báo chí theo quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ mới đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. 
 
 
 

Kỳ 1: "Tắc nghẽn" tại xã

Báo, tạp chí, chuyên đề cấp không thu tiền đưa về các xã vùng cao để người dân đón đọc, kịp thời cập nhật thông tin, học hỏi các mô hình làm ăn, phát triển kinh gia đình; góp phần thay đổi bộ mặt nghèo khó ở vùng cao. Tuy nhiên, hiện nay, các ấn phẩm vẫn chưa đến với người dân một cách phổ biến, rộng rãi. 

 
Muốn đọc lên xã mà lấy
 
Lần theo danh sách những đối tượng, địa phương được nhận báo, tạp chí do Nhà nước cấp không thu tiền, chúng tôi đến một trong những huyện nghèo nhất nước là Tây Trà và tìm đến trụ sở UBND xã Trà Phong. Chúng tôi chọn xã này, bởi lẽ đây là xã nằm ở Trung tâm huyện Tây Trà nên việc cập nhật thông tin nhanh chóng và dễ dàng hơn so với các xã còn lại. 
 
Toàn xã có 786 hộ dân thì có đến 569 hộ nghèo, đời sống người dân ở đây còn gặp khó khăn. Số hộ nghèo chiếm hơn 50% nên xã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Hằng tháng đều được cấp nhiều loại báo, tạp chí, chuyên đề từ Ủy ban Dân tộc, theo quyết định 633 của Thủ tướng vào tháng 4.2016.
 
Điều đáng buồn, từ nhiều năm nay, ở đây thường xuất hiện tình trạng báo chí cấp về chỉ tới UBND xã mà chưa mang đến đúng đối tượng tiếp nhận hoặc nếu có nhận thì rất chậm trễ. Khảo sát từ các trưởng thôn, những người có uy tín trong xã, hầu hết đều cho rằng, lâu nay không có ai giao báo, muốn đọc thì lên xã lấy đem về đọc.
 
 
Nhiều tờ báo về với đồng bào bị tắc nghẽn ngay xã.
Nhiều tờ báo về với đồng bào bị "tắc nghẽn" ngay xã.
 
“Đường xá xa xôi, trắc trở, đặc biệt là vào những ngày mưa, chúng tôi không thể nào xuống xã lấy báo được. Không có ai giao báo cho mình, không có báo để đọc, việc cập nhật thông tin của bà con ở đây khó khăn lắm!”, ông Hồ Văn Liên- Trưởng thôn Hà Riềng, xã Trà Phong cho hay.
 
Trong khi đó, “mục sở thị” trụ sở UBND xã Trà Phong, chúng tôi phát hiện, hàng trăm tờ báo in, đủ các thể loại được chất đầy từ phòng văn thư cho đến ngoài kho đặt dưới chân cầu thang của trụ sở.
 
Khi được hỏi báo, tạp chí được cấp về cho địa phương, sao lại không tranh thủ đem đến cho các đối tượng được nhận trong xã mà giữ lại như thế này, chị Hồ Thị Lớn- Cán bộ Phòng Văn thư lưu trữ xã Trà Phong tỏ ra lúng túng, phân trần: “Bưu tá họ đem đến cho em, nhờ em khi nào tiện lên các thôn thì gửi giùm. Vì ở xã quá nhiều việc, nên chưa kịp đem đến cho bà con".
 
Xã Trà Phong nằm ngay trung tâm huyện, gần bưu điện mà nhiều nơi còn chưa được nhận báo thì ở các xã khác cách hàng chục cây số như Trà Quân, Trà Thọ, Trà Lãnh, Trà Thanh… tình trạng trên còn xảy ra phổ biến hơn. 
 
Chuyên đề Sức khỏe và Đời sống có thời gian phát hành từ tháng 4.2016 nhưng đến nay vẫn còn
Chuyên đề Dân tộc và Miền núi của báo Sức khỏe và Đời sống có thời điểm phát hành từ tháng 4.2016 nhưng đến nay vẫn còn "đọng" ở xã, chưa được giao đến đối tượng hưởng thụ.
 
Anh Hồ Văn Nguyên- Trưởng thôn Trà Bao (xã Trà Quân) cho hay mình còn chẳng biết mình được nhận bao nhiêu tờ báo, các loại báo gì. Hôm nào xuống xã họp hành thì xã đưa cho “một mớ” mà mang về. 
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, “mang tiếng” là được nhận báo mới nhưng đến tay trưởng thôn, người có uy tín thì các ấn phẩm này đã xuất bản thêm hàng chục cuốn mới. 
 
“Cầm tờ báo còn mới, mà nội dung bên trong đã cũ, tôi cũng chẳng muốn đọc. Tôi đem về, bà con chòm xóm ai thích thì ghé đọc”, anh Nguyên nói.
 
“Đói” thông tin, cái nghèo lẩn quẩn
 
Những năm qua, nhờ nguồn kinh phí từ các chính sách, chương trình, dự án từ mà đời sống của hàng nghìn người đồng bào Hrê, Cor, Cadong được cải thiện. Theo số liệu thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2011- 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi giảm bình quân hàng năm 6,4%. 
 
Dẫu vậy, số lượng hộ nghèo, tình trạng tái nghèo ở đây vẫn còn ở mức cao. Có nhiều lý do để phần lớn người dân ở đây vẫn chưa thể thoát nghèo. Một trong những nguyên nhân chính là do người dân vẫn còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Một số ít nhận thức được, muốn vươn lên thì lại không có điều kiện để cập nhật thông tin về khoa học kỹ thuật, tình hình thị trường để chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp. 
 
Trong khi đó các phương tiện truyền tải thông tin báo chí ách tắc trên chặng đường đến tay người dân đã dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước. Cái nghèo vì thế nằm trong cái vòng luẩn quẩn.
 
"Đói" thông tin, đời sống đồng bào vùng cao ở Tây Trà gặp nhiều khó khăn.
 
 
Đã từng có nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, việc đầu tiên là sớm cung cấp nguồn thông tin từ khắp nơi đến cho người dân vùng cao thông qua hình thức cấp báo, tạp chí không thu tiền theo Quyết định số 2472, 1977 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2011-2015. Và mới đây nhất là quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4.2016. 
 
Theo quyết đinh 633 của Thủ tướng, Nhà nước cấp (không thu tiền) 19 ấn phẩm báo, tạp chí nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cho năm 2016.
 
Đó là các báo, tạp chí: Tin tức, Nhân dân, Nông thôn ngày nay, Tiền phong, Dân tộc và phát triển, Văn hóa, các chuyên đề Dân tộc và miền núi, Măng non, Thiếu nhi dân tộc... Tùy theo chủ đề của các ấn phẩm mà đối tượng được nhận khác nhau gồm người có uy tín, thôn bản đặc biệt khó khăn, Hội nông dân, Đoàn xã, Ủy ban nhân dân các xã...
 
Ngoài 6 huyện miền núi còn có một số đơn vị khác của các huyện đồng bằng cũng được thụ hưởng nhưng số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, tại các huyện miền núi Quảng Ngãi, quyết định này khi triển khai vẫn còn gặp nhiều cái khó và phần lớn các đối tượng được hưởng thụ vẫn chưa tiếp cận một cách rộng rãi với các ấn phẩm này.
 
(Còn nữa)
 
Bài, ảnh: Gia Nghi
 

.