Giao lưu múa rối truyền thống Việt Nam-Thái Lan

01:06, 19/06/2016
.

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (6/8/1976 - 6/8/2016), tối 18/6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam-Thái Lan do Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn tặng hoa các nghệ sĩ biểu diễn rối 2 nước. Ảnh:
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn tặng hoa các nghệ sĩ biểu diễn rối 2 nước. Ảnh:

 

Mở đầu chương trình biểu diễn, lấy đề tài “Quê hương” làm chủ đạo, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã dàn dựng chương trình “Nhịp điệu quê hương” dựa trên một số làn điệu dân ca truyền thống mộc mạc, gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam.

Đạo diễn chọn chất liệu mây tre đan làm điểm nhấn trọng tâm. Con rối được làm từ những vật dụng quen thuộc trong đời sống thường ngày như thúng, mủng, rổ rá, dần, sàng, chổi quét nhà, quạt nan, rơm rạ...

Bằng động tác tinh tế, khéo léo, những đôi tay “biết nói” của các nghệ sỹ đã biến chúng thành những con rối ngộ nghĩnh, sinh động, thú vị, có sức hút kỳ lạ, giàu cảm xúc. Tổng thể chương trình là sự hòa quyện giữa lời ca và sự chuyển động của con rối, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.

Một cảnh trong phần biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam

Mỗi trò diễn là một bức tranh đa sắc, phong phú, phảng phất không khí bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông với những cảnh “Ngày mùa,” “Chăn trâu,” “Vợ chồng thuyền chài,” “Múa hoa sen,” “ Hát xẩm,” “Đi hội,” “Chầu văn,” hay đơn giản chỉ là cánh cò bay thấp thoáng trong lời ru của mẹ. Tất cả cùng hòa thanh tạo nên “Nhịp điệu quê hương” mộc mạc mà sâu lắng.

Một cảnh trong vở rối "Nguyệt thực" của Thái Lan. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Tiếp đến, Nhà hát Múa rối truyền thống Thái Lan đã biểu diễn vở múa rối “Nguyệt thực.” Đây là câu chuyện về truyền thuyết được kể lại thông qua kỹ thuật biểu diễn độc đáo của Nhà hát Múa rối truyền thống Thái Lan. Truyền thuyết có nội dung Hanuman, thần khỉ - chiến binh vĩ đại của Vua Rama trong lúc đang đuổi theo nàng Benyakai thì nhận thấy bóng tối đang che phủ bầu trời nên thầm thắc mắc về nguyên nhân và rồi câu chuyện về Nguyệt thực bắt đầu.

Song song với việc bảo tồn và phát triển nhà hát múa rối nhỏ cổ điển Thái lan, Nhà hát Múa rối truyền thống Thái Lan cũng đa dạng hóa các tiết mục biểu diễn sân khấu cổ điển cũng như biểu diễn âm nhạc đương đại và truyền thống.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Panyarak Poolthup nhấn mạnh xuất phát từ tầm quan trọng của việc giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa hai quốc gia. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi hai nước có nền múa rối đặc sắc, góp phần giao lưu, hợp tác, trao đổi nhằm gìn giữ môn nghệ thuật độc đáo này.

Một số hình ảnh tại buổi giao lưu:

Trước khi dự chương trình giao lưu múa rồi truyền thống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã thăm trưng bày hình ảnh về mối quan hệ truyền thống Việt Nam-Thái Lan tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Các tiết mục biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam mang âm hưởng mùa xuân quê hương. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

"Nguyệt thực" là vở rối truyền thống đặc sắc của Thái Lan. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn và các nghệ sĩ sau buổi diễn. Ảnh: VGP/Đình Nam


Theo Đình Nam/Chinhphu.vn

 

 


.