Báo chí cũng "bức cung"

01:06, 19/06/2016
.

TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Các vụ bức cung dẫn đến tù oan hai công dân Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận vừa qua như giọt nước làm tràn chiếc li phẫn nộ trong dư luận mà bấy lâu nay chưa có dịp bung vỡ. Ngoài sự kiên trì đeo bám để tìm công lý của người thân hai công dân này, các nhà báo cũng đã có công lớn trong câu chuyện bức cung dẫn đến tù oan nói trên.

Bức cung, được hiểu nôm na là khi hỏi cung bị can, người có thẩm quyền (ở đây là cán bộ điều tra của Công an Bắc Giang và Bình Thuận) đã ép buộc bị can (tức ông Chấn và ông Nén) khai theo “kịch bản” đã được cán bộ điều tra của ban chuyên án đó “lập trình”  sẵn. Cụ thể là, tất cả các câu hỏi mà cán bộ điều tra trong quá trình hỏi cung bị can đều hướng đến việc bị can đó phải là kẻ giết người. Do bị ép cung, nhục hình, các bị can đã buộc phải khai theo “kịch bản” của cơ quan điều tra nên vụ án “sớm được làm sáng tỏ” như mọi người đã biết.

Báo chí, một mặt tham gia tích cực vào việc minh oan cho những công dân bị bức cung, như ông Chấn và ông Nén, song đôi khi, để thỏa mãn sự phẫn nộ của công luận hoặc để cho đúng với “kịch bản” mà nhà báo đã đoán mò, báo chí cũng đã và đang “bức cung” không ít vụ việc.

Vụ doanh nhân Hà Linh ở Đà Lạt bị sát hại tại Trung Quốc hồi tháng 9 năm 2015 là một ví dụ. Bà Hà Linh từng lấy ông Chuang là một doanh nhân người Đài Loan làm chồng. Ông Chuang là chủ một doanh nghiệp chế biến trà ô long tại Lâm Đồng. Bà Hà Linh trở thành doanh nhân và là chủ một thương hiệu trà ô long nổi tiếng, cũng bắt nguồn từ mối quan hệ chồng vợ với ông Chuang.

Họ đã chia tay, mỗi người một ngả, nhưng vẫn kinh doanh ngành chế biến trà ô long. Bà Hà Linh sang Trung Quốc để tìm đối tác bán trà ô long giữa lúc sản phẩm này đang gặp khó. Vì đang gặp khó nên sự cạnh tranh “sống mái” giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một loại sản phẩm là điều tất yếu. Bà Hà Linh bất ngờ bị giết tại Trung Quốc trong quá trình đàm phán với đối tác, dĩ nhiên, mọi nghi ngờ đều đổ dồn về người chồng cũ! Đó chỉ là “cái lý” được bắt nguồn từ sự suy diễn.

Câu chuyện về nghi can sát hại bà Hà Linh nó chỉ logic theo “kịch bản đoán mò” của một số nhà báo chứ không phải đó là kết quả của việc khai thác tài liệu từ cơ quan điều tra tại Trung Quốc. Do vậy, một vài tờ báo đã “nhanh nhảu” ám chỉ ông Chuang là thủ phạm của vụ sát hại bà Hà Linh.

Cứ tưởng ông Chuang là người Đài Loan không rành tiếng Việt nên viết sao cũng được, ai ngờ ông Chuang phản pháo, chuẩn bị khởi kiện các nhà báo đã quy chụp cho ông. Trong trường hợp này, chính nhà báo chứ không phải công an, đã “bức cung” sự việc, lái dư luận vào chỗ mà nhà báo đã đoán mò. Các báo nào quy chụp hoặc suy diễn về ông Chuang trong vụ sát hại bà Hà Linh đã phải “đính chính” hoặc xin lỗi, ông Chuang mới rút đơn kiện.

Kết quả điều tra từ phía Trung Quốc cho thấy, ông Chuang đã vô tội trong vụ sát hại bà Linh. Nếu “nghe theo” báo chí, ông Chuang có khi bị gỡ lịch như ông Chấn, ông Nén  chứ chả chơi!

Vụ thứ 2 đang nóng các báo suốt nhiều tháng qua. Đó là vụ cá chết dọc biển các tỉnh miền Trung. Cũng bởi nhà máy thép Formosa ấy là “có yếu tố Trung Quốc”, một “từ khóa” mà dân Việt Nam đang dị ứng, nên dư luận đổ dồn về nhà máy này, xem đó như thủ phạm dẫn đến cá chết. Lại nữa, đại diện cho nhà máy đã đổ dầu vào lửa bằng câu dại miệng: “Chọn cá hay chọn thép” càng củng cố thêm về sự đoán mò của dư luận.

Các nhà khoa học đã vào cuộc để điều tra. Công luận hồi hộp với “mong muốn” là những suy đoán của mình lâu nay đúng. Nhưng kết luận chính thức của cuộc điều tra ấy còn phải chờ. Báo chí lại được dịp… tiếp tục chỉa ánh mắt và hướng dư luận vào Fomosa.

Rất nhiều bản tin, bài viết, dù không nói trắng ra nhưng thấp thoáng trong câu chữ, người ta vẫn nhận ra rằng, bài báo ấy, bản tin ấy đang “ám chỉ” Formosa là thủ phạm gây ra cá chết. Chỉ khi nào các nhà điều tra chỉ đích danh thủ phạm Formosa thì họ mới thỏa mãn!

Tôi không có ý bảo vệ cho sự hủy hoại môi trường, dù đó là doanh nghiệp nào. Nhưng trong câu chuyện này, báo chí đã bị cảm tính dẫn dắt, theo kiểu “tao ghét mày thì cái gì thuộc về mày đều… xấu”. Khổ thay, Formosa lại đang nằm trong tầm ngắm của sự yêu-ghét ấy. Báo chí từng lên án chuyện bức cung, nhưng bây giờ, một số báo đang giẫm lên vết xe mà mình từng lên án ấy./.
 


.