Âm vang lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

03:05, 13/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn không những để tưởng nhớ, tri ân những người lính hải đội Hoàng Sa, Trường Sa mà đây còn là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch để họ sáng tác những tác phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng.
 

Nơi truyền nguồn cảm hứng

Với nhà biên kịch trẻ Phạm Văn Tân (tác giả bộ phim Cổng mặt trời, Chuyện tình nơi mắt bão...) thì chuyến đi Lý Sơn lần này đã tạo nguồn cảm hứng phong phú cho anh cũng như các đồng nghiệp khai thác đề tài. Ngoài tìm hiểu đời sống, văn hóa, cảnh quan thì lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã khơi nguồn sáng tạo cho những người làm nghệ thuật. Anh Tân chia sẻ: “Quả thật khi đặt chân đến Lý Sơn, nguồn cảm hứng của anh em được khơi dậy rất nhiều. Dường như mỗi thứ đều có thể tái hiện thành những tác phẩm nghệ thuật để phục vụ công chúng”.
 

 

Hội Điện ảnh TP. HCM đến thăm nhà ông Phạm Thoại Tuyền ở xã An Hải để tìm hiểu thêm về đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa.
Hội Điện ảnh TP. HCM đến thăm nhà ông Phạm Thoại Tuyền ở xã An Hải để tìm hiểu thêm về đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa.

Cũng là lần đầu tiên đến Lý Sơn, được tận mắt chứng kiến buổi lễ Khao lề tại đình làng An Vĩnh nên bà Ngô Ngọc Ngũ Long – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh rất xúc động. Bà Long tâm sự: “Đã được nghe rất nhiều về Lý Sơn, về lễ khao lề, nhưng lần này tôi mới có dịp chứng kiến. Bản thân tôi cũng như anh em đi trong đoàn, cảm thấy rất xúc động”.

Với những văn nghệ sĩ thì lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Nó kích thích sự tò mò, giúp họ có những tác phẩm phục vụ công chúng. Ngoài ra, khi đến với Lý Sơn họ còn tìm hiểu những loại hình kiến trúc chỉ có ở Lý Sơn và tìm hiểu về các dòng tộc Võ Văn, Phạm Quang... rồi đưa chúng vào tác phẩm của mình thêm sống động.

Mang vào tác phẩm nghệ thuật

Đạo diễn truyền hình Lê Văn Duy - nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Khi đến với Lý Sơn, điều mà tôi quan tâm là tìm hiểu sâu về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của mảnh đất này. Để rồi từ đó, có thể tái hiện vào trong các tác phẩm nghệ thuật. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật được trình chiếu thì người dân sẽ hiểu hơn về biển đảo, về những gì ông cha ta đã xây dựng. Từ đó, họ sẽ ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc. Và hơn hết, thông qua lễ khao lề này, chúng ta thấy được lớp người đi sau luôn luôn ghi nhớ, tri ân về lớp cha ông giữ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

 Ông Ngô Văn Nghĩa – Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lý Sơn cho biết: “Lý Sơn là nơi bảo tồn nhiều di tích lịch sử có giá trị. Chính vì thế mà có rất nhiều đoàn về đây tham quan và tìm hiểu. Huyện cũng đã tạo điều kiện và sẵn sàng cung cấp tư liệu để họ tham khảo và thực hiện công việc của mình. Mặt khác, các giá trị văn hóa cũng được huyện lồng ghép trong các buổi thuyết minh cho du khách để họ phần nào hiểu được về cuộc sống của người dân đảo Lý Sơn”.

Có thể nói, song song với sự phát triển về kinh tế, thì âm vang truyền thống, văn hóa của Lý Sơn đã được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, du khách đến Lý Sơn còn biết thêm về những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và cuộc sống nghĩa tình của những người dân đất đảo.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 

.