"Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam"

08:07, 06/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa phát hành tập sách “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam” của các tác giả là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu như: TS. Mai Hồng, TS. Đinh Công Vĩ, Phan Duy Kha, Nguyễn Đắc Xuân, PGS.TS Lê Trọng…

Đây là tập sách thể hiện tâm huyết, lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân của đội ngũ trí thức Việt Nam đối với Tổ quốc, với dân tộc. Trong lời giới thiệu cuốn sách, GS. Vũ Khiêu đã nhấn mạnh: “Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng nơi đảo xa ấy luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Trong ngàn năm lịch sử, biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu quên mình, hy sinh nơi biển cả để giữ vững chủ quyền biển đảo”.

 


Cuốn sách đã nêu bật một sự thật lịch sử không thể chối cãi, đó là từ xa xưa Hoàng Sa, Trường Sa là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam” mãi mãi không thể cắt rời. Trong cuốn sách, các tác giả đã viện dẫn những cứ liệu lịch sử, các bản đồ của Việt Nam, Trung Quốc và quốc tế nói về phần lãnh thổ quan trọng của Việt Nam.

Cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam” được cho là “sách cho mọi người, mọi nhà, sách cho hôm nay, mai sau”. TS. Mai Hồng, đồng chủ biên cuốn sách, là người hơn 30 năm cất giữ “Hoàng Triều lục tỉnh địa dư toàn đồ” - tấm bản đồ cổ của Trung Quốc, công bố năm 1904, không hề có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lãnh thổ nước họ.

Đặc biệt, PGS.TS Lê Trọng (sinh năm 1926) – là người con của Cù lao Ré (Lý Sơn) quê hương của đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, tuy nay tuổi đã cao nhưng ông vẫn đau đáu hướng về Hoàng Sa, Trường Sa với niềm xác tín về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông đã làm thơ, viết văn, xuất bản sách, sưu tầm tư liệu để khẳng định điều đó. Ông là người đồng chủ biên cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam” với loạt bài viết về: Nhớ những mâm cỗ cúng vong linh binh lính Hoàng Sa, Trường Sa trên đảo Lý Sơn. Nhớ lễ khao lề và cúng thế lính Hoàng Sa, Trường Sa trên đảo Lý Sơn, lịch sử đã đưa ta qua những mâm cỗ cúng, tế vong linh binh lính Hoàng Sa, Trường Sa.

Qua những hồi ức tuổi thơ, ông vẫn nhớ như in những câu ca buồn được lưu truyền từ buổi xa xưa trên đảo: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” và “Trường Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng Hai khao lề thế lính Trường Sa”. Ông còn dẫn ra những bằng chứng cho thấy việc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa “đã diễn ra hết sức ngang nhiên và nghiêm trọng!

Những tư liệu của PGS.TS Lê Trọng – một nhà khoa học, một người con thân yêu của đảo Lý Sơn đã nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện đã góp phần củng cố thêm những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa được UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) trân trọng cảm ơn và đánh giá rất cao.

Đầu tháng 5.2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Điều đó càng lộ rõ dã tâm thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Hành động ngang ngược này đang bị cả thế giới lên án. Đọc “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam” mỗi người Việt Nam chúng ta càng cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn và hành động ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế  của Trung Quốc. Cuộc đấu tranh này còn phức tạp, lâu dài, nhưng chúng ta vững tin rằng chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng.

TRẦM THỤY DU
 


.