Phát hiện tấm bia đá cổ nhất Việt Nam

01:12, 03/12/2013
.

Tấm bia có niên đại năm 314 và năm 450 vừa được phát hiện tại thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được coi là tấm bia đá cổ nhất Việt Nam được phát hiện đến thời điểm này.

Bia đá vừa được tìm thấy là loại bia nhọn, có hình dáng đặc biệt, không giống bất cứ tấm bia nào đã tìm thấy trước đó.

Bộ Bia và Liễn đá hiện được bảo quản trong bảo tàng Bắc Ninh
Bộ Bia và Liễn đá hiện được bảo quản trong bảo tàng Bắc Ninh


Kết cấu của bia gồm 2 phần thân bia và đế bia. Thân bia được tạo tác bởi một phiến đá lớn, phần đầu bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác tạo thành trán bia, hiện đã bị vỡ làm đôi; đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật nhìn rất đồ sộ.

Nếu bia vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu thì kích thước của nó như sau: Phần thân bia có chiều cao xấp xỉ 200cm, chiều rộng xấp xỉ 100cm, chiều dày 15cm; phần đế bia có chiều dài 136cm, chiều rộng 100cm, chiều cao 30cm.

Do có niên đại sớm nên tấm bia bị cũ và rỗ nhiều. Hiện nay, ở cả 2 mặt bia còn khoảng 300 chữ có thể đọc được. Mỗi mặt lại được viết theo một lối chữ khác nhau.

Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên (314) còn khoảng 120 chữ được viết theo phong cách Lệ thư; mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên (450) còn khoảng 150 chữ được viết theo phong cách Khải thư. Nét chữ ở cả 2 mặt đều được khắc sâu và rõ nét.

Hiện, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thiện công tác sưu tầm để trưng bày tấm bia này.

Trước đó, năm 2012, cũng tại Bắc Ninh tấm bia tháp xá lợi có niên đại năm 601 (được coi là tấm bia cổ nhất Việt Nam đến thời điểm đó) đã được phát hiện.

 

Theo Hà Anh (Chinhphu.vn)

 


.