"Con thuyền dang dở buồn gác mái"

03:03, 31/03/2013
.

* Thanh Thảo


(QNĐT)- Có một câu thơ rưng rưng như vậy của thầy giáo Võ Trọng Khai. Và một câu thơ nữa: “Chớ để vui buồn lặng lẽ qua”. Hai câu thơ tổng kết một đời yêu thơ, một đời sống thơ, một đời lặng lẽ thơ của người thầy giáo dạy văn mà dưới tình yêu hết mình cho văn học của ông, bao thế hệ học trò đã trưởng thành.

Thầy Võ Trọng Khai thuộc lớp sinh viên tốt nghiệp sớm ở Khoa Văn-Đại học Sư phạm Hà Nội. Và thầy đã dạy văn rất nhiều năm ở Nam Định, trước và trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ.

Sau giải phóng, thầy giáo Khai về hẳn quê ở Sơn Tịnh-Quảng Ngãi, và thầy tiếp tục dạy văn ở Trường PTTH Sơn Tịnh 1. Đâu như từ năm 1998, thầy Khai chuyển về làm hiệu trưởng Trường PTTH Sơn Mỹ, cũng thuộc huyện Sơn Tịnh, cho tới ngày về hưu.

Có một lần tình cờ ngồi với anh Đinh Thế Huynh, lúc ấy là Tổng biên tập báo Nhân Dân, anh Huynh hỏi tôi có biết thầy giáo Võ Trọng Khai ở Sơn Tịnh-Quảng Ngãi? Tôi nói có biết, vì đã nhiều năm hợp tác với thầy Khai cho chương trình học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ” mà tôi khởi xướng và điều hành, những năm thầy Võ Trọng Khai là hiệu trưởng Trường PTTH Sơn Mỹ.

Vẻ mừng rỡ, anh Đinh Thế Huynh nói với tôi: “ Thầy Khai là thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi ở Xuân Trường-Nam Định. Hồi ấy tôi làm lớp trưởng, học thì được nhưng nhà nghèo lắm. Nhiều buổi sáng tôi phải nhịn đói đi học, nhà lại ở khá xa trường. Biết tôi đói, thầy Khai thường để dành cho tôi, khi thì nửa cái bánh mỳ, khi thì vài củ khoai luộc lót lòng. Ơn nghĩa ấy không bao giờ tôi quên được. Với tôi, thầy Khai còn hơn một người thầy”.

Tôi cũng kể với anh Đinh Thế Huynh, lúc mới gặp thầy Khai đề nghị chương trình học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ”, tôi đã nhận thấy vẻ mừng rỡ thật lòng của người hiệu trưởng Trường PTTH Sơn Mỹ. Hóa ra, tất cả đều có duyên do.

Thầy Khai đã mừng vui trước những suất học bổng khiêm nhường của chương trình “Vì trẻ em Sơn Mỹ” dành cho học trò nghèo nơi vùng đất đau thương này, như đã từng mừng vui vì những củ khoai luộc hay nửa cái bánh mỳ thời mình dạy học ở Nam Định có thể giúp cho những em học sinh nghèo đỡ đói lòng khi đến lớp.

Tình yêu thương và đức khiêm nhường là hai phẩm chất đáng quý nhất ở người thầy giáo dạy văn này. Và đó cũng là hai phẩm chất lặng lẽ sáng trong thơ ông:

                                 “Anh thương em có lúc lặng im
                                  Thương em thiếu tình cha tình mẹ
                                  Và từ đó ngọn nguồn có lẽ
                                  Không phai mờ hình ảnh em thương”

                                                        (Em mến thương)

Đó là tình cảm với một bạn học ít tuổi ở trường Học sinh miền Nam (HSMN). Còn đây là tình cảm với người mẹ:
                                      “Run run thân mẹ già
                                       Đôi môi người tím lặng
                                       Gánh củi đè lên vai
                                       Mưa rơi trên đường dài
                                       Con lặng nghe mẹ bước”

                                                     (Trên đường dài)

Có thể đó là mẹ mình, và có thể đó là người mẹ. Tôi cảm giác thầy Võ Trọng Khai từ thuở còn là học sinh lớp 5 lớp 6 ở trường HSMN bên sông Đáy-Hà Nam, đã luôn sống trong nỗi khao khát tình yêu thương, nỗi khao khát đã khiến một cậu bé chưa tới tuổi 15 cầm bút làm thơ. Và, thật lạ, những bài thơ thầy Khai viết ở độ tuổi vị thành niên ấy lại là những bài thơ tràn đầy xúc cảm, chan chứa yêu thương, và ẩn hiện những nỗi cô đơn mà một nhà thơ khi trưởng thành có thể nhớ lại một cách tỏ tường.

                                        “Đàn chim ơi,
                                        Có về phương Nam?
                                        Cho em vay đôi cánh lưng trời
                                        Về chốn xưa nhìn ba lần cuối”

                                                                (Tin ba mất)

Cuối bài thơ đau xót ấy, tác giả ghi: “ Lớp 6G-Sông Đáy-Hà Nam-1959”:


                                    “Bên dòng sông gió thổi về xa tắp
                                      Một mình con đứng lặng trông vời
                                      Ba yêu thương ơi, ba có biết
                                     Trong lòng con đau nhói, ba ơi!”

                                                                    (Tin ba mất)

Tôi có thể nói mà không sợ sai, rằng nếu cậu bé Võ Trọng Khai ấy bớt một chút mặc cảm, thêm một chút tự tin, và tự nguyện quăng quật đời mình cho thơ, thì ở tuổi trưởng thành, anh đã là một nhà thơ đích thực.
Nhưng Võ Trọng Khai đã hiến mình cho sự nghiệp cầm viên phấn trắng, đã thành một thầy giáo dạy văn có thể chia sẻ tất cả với học trò của mình, từ một câu thơ tới một củ khoai luộc. Và điều ấy cũng đẹp đẽ biết bao, đẹp ngang với việc trở thành một nhà thơ đích thực.  

Trở thành ai, chức phận gì, nhiều khi do số phận quyết định. Nhưng trở thành con người như thế nào, thì lại do chính ta quyết định. Trong những lần trò chuyện với các thầy cô giáo ở Trường PTTH Sơn Mỹ, tôi đã hiểu thêm đức độ của thầy hiệu trưởng Võ Trọng Khai. Và khi tới thăm thầy Khai bị bệnh nặng vào năm cuối của đời thầy, nhìn rõ ngôi nhà nhỏ với vật dụng quá khiêm nhường trong nhà thầy, tôi đã cảm nhận thêm điều này: làm một con người trong sạch, một người thầy mẫu mực, thì khó và đẹp như thế nào!

Có một bài thơ, tôi nghĩ thầy Võ Trọng Khai viết trong một đêm khi vừa soạn xong giáo án, chỉ một mình đối diện với mình. Bài thơ thật đẹp, và ẩn chứa trong đó cả tình yêu thương, đức khiêm nhường, nỗi cô đơn và cả những mất mát của một con người. Nhiều khi muốn hiểu một bài thơ, lại phải hiểu cả cuộc đời của người làm thơ. Thơ dễ, mà khó là vậy!

                                MƯA ĐÊM

               “Đầu hè trời nhẹ cơn mưa
  
            Nghiêng theo ngọn gió lưa thưa ngoài trời
    
            Bên hiên khe khẽ giọt rơi
    
            Lắng trong xa vắng những lời ru đêm
    
    
            Chân ai nhẹ bước lên thềm
    
            Nghe sao thương nhớ, tưởng em đi về
    
            Niềm riêng gởi bến sông quê
    
            Thẩn thờ ngừng bút trăm bề ngổn ngang”
 


                                            Quảng Ngãi 28/3/2013
    
(Để lại mến thương- thơ Võ Trọng Khai-NXB Văn Học 2013)
 


.