Chiếu phim… dưới “mưa bom lửa đạn”

11:03, 31/03/2013
.

(QNg)- Ngày 15/3/1968, tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ (Trà Bồng), nay là xã Trà Trung (Tây Trà), Đội điện ảnh cách mạng Quảng Ngãi đầu tiên chính thức được thành lập với 11 con người. Phương tiện lúc bấy giờ chỉ là chiếc máy chiếu 16ml hiệu Mêơclup do Tiệp Khắc sản xuất. Từ đây, những chuyến chiếu phim theo chân các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa vượt bao thác ghềnh để đến với đồng bào, chiến sĩ trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Ký ức về một thời “tay xách nách mang, lưng gùi, vai vác” lại ùa về với ông Đỗ Hữu Dân (Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh), khi nghe tôi tìm hiểu về những tháng ngày hào hùng ấy.

 

Các thành viên tham gia thành lập Đội Điện ảnh cách mạng Quảng Ngãi . (ảnh chụp lại)
Các thành viên tham gia thành lập Đội Điện ảnh cách mạng Quảng Ngãi . (ảnh chụp lại)


Ông Dân kể, ban đầu chiếu phim chủ yếu phục vụ chiến sĩ ở chiến trường và các cuộc họp của cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh và Hội nghị của các cơ quan tỉnh ở chiến khu. “Bộ đội đi tới đâu là chúng tôi có mặt ở đó, đôi khi sáng ở rừng, tối tìm về vùng giáp ranh vùng giải phóng chiếu phim. Những bộ phim chiếu lúc bấy giờ là: Bài ca ra trận, Rừng O thắm, Chiến thắng Củ Chi, Nổi gió... Tuy là chiếu ở vùng quân ta đang chiếm đóng nhưng cực kỳ nguy hiểm. Địch luôn cử mật thám bám sát nên có thể gây nguy hiểm cho chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi chiếu bộ phim này là địch dùng mọi cách để gài mìn hòng tiêu diệt chúng tôi. Bởi địch cho rằng, tiêu diệt được Đội điện ảnh là bằng tiêu diệt một trung đội. Do vậy chúng tôi cũng vừa làm nhiệm vụ và chiến đấu” – ông Dân nói.

Đầu năm 1972, Đội chiếu phim được lệnh của Ban Tuyên huấn về chiếu phim phục vụ người dân và du kích xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh). Sau hai ngày băng rừng về xuôi, các anh cũng đến xã Tịnh Minh dựng rạp để chiếu phim. Nhờ có du kích kiểm tra tình hình cũng như bảo vệ nên các thành viên an tâm chiếu phim phục vụ người dân. Khi bộ phim chiếu xong, các anh nghe bà con bàn tán xôn xao, hỏi ra mới hay, lúc đang chiếu giữa chừng bộ phim “Rừng O thắm” thì du kích phát hiện địch gài mìn và âm thầm gỡ bỏ để không làm người dân hoang mang. “Nghe vậy chúng tôi không khỏi lo lắng. Nếu không phát hiện kịp thời thì…”- ông Dân nhớ lại.

Nhưng có lẽ với ông Dân và các ông Lê Quang Tuấn, Trần Dung, Lê Công Như, Hồ Chí Mùa… thì kỷ niệm đáng nhớ nhất là giữa năm 1973 về chiếu phim phục vụ bộ đội ở xã Nghĩa Hiệp (Tư nghĩa). “Hôm đó, khi chúng tôi đến, anh em chiến sĩ bảo chiếu nhiều phim cho anh em xem, vì sau trận đánh vào đêm nay thì không biết có còn xem phim được nữa không. Xem đến giữa chừng thì anh em, chiến sĩ nhận lệnh “ra trận”. Đêm hôm sau khi chúng tôi nhận lệnh chiếu tiếp thì “khán giả” đếm chỉ còn hơn phân nửa so với đêm trước,  người đầu băng trắng, người chân tay thương tích nhưng vẫn gắng ra xem phim. Nhìn anh em chiến sĩ chúng tôi không thể kìm được nước mắt. Chính họ đã mang đến cho chúng tôi niềm tin để phục vụ cách mạng cho đến ngày Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất” - ông Dân chia sẻ.  
    
Hiện nay Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Ngãi có 7 đội chiếu bóng miền núi, hải đảo, biên chế và hoạt động của các đội chưa ổn định. Phương tiện vận chuyển, trang thiết bị còn hạn chế, thô sơ, chưa được đầu tư thỏa đáng dẫn đến chất lượng phục vụ còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới hiện nay. “Hiện các đội chiếu bóng vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn thiếu nhiều thứ. Chúng tôi đang xin cấp trên cho mua sắm mỗi đội một xe U-oát, hệ thống âm thanh, camera để phục vụ tuyên truyền chiếu bóng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh và nâng cấp Rạp chiếu bóng Hòa Bình đạt tiêu chuẩn quốc gia...” – ông Dân nói.

Mong muốn của ông Dân cũng là mong ước chung của những người đang ngày đêm mang “ánh sáng” đến các xóm, làng xa xôi…

 

Lê Đức
 


.