Nhịp cầu âm nhạc “Hà Nội - Điện Biên Phủ”

10:12, 04/12/2012
.

Thanh Thảo


(QNĐT)- Lần đầu tiên bạn nghe bài hát “Hà Nội-Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên là vào lúc nào? Còn tôi, mặc dù vào thời điểm tháng 12 năm 1972 ấy tôi cách xa Hà Nội, cách xa nhạc sĩ Phạm Tuyên những 2000 cây số, nhưng tôi có thể tự hào mà nói rằng, tôi là một trong hàng triệu người Việt Nam đầu tiên đã được nghe bài hát này phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam vào đêm 29/12/1972.

TIN LIÊN QUAN


Đêm ấy, tôi đang lội nước ở một vùng ven lộ 4 thuộc xã Nhị Quí huyện Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho, cùng với nhóm công tác binh vận tiền phương. Tin Hà Nội bị B52 ném bom dữ dội tôi được nghe từ mấy ngày trước đó. Lúc mới nghe tin này, tôi đã bật khóc.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể lại hồi ức Hà Nội oanh liệt một thời (ảnh: Hồng Hà-VOV)
Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể lại hồi ức Hà Nội oanh liệt một thời (ảnh: Hồng Hà-VOV)


Ngày tôi đi chiến trường, thầy má tôi đang ở Trại nghiên cứu tằm giống tại xã Ngọc Thụy huyện Gia Lâm, cách Hà Nội một con sông Hồng.Coi như cũng đã xa Hà Nội.

Việc thầy má tôi có còn ở Trại tằm Gia Lâm hay đã sơ tán, tôi không biết. Nhưng B52 thì tôi biết. Do đã không ít lần phải “đội” bom B52, cả ban ngày và ban đêm. Có lúc vào ban ngày, nhìn lên bầu trời sau khi B52 thả bom, vẫn thấy khá rõ 3 chiếc B52 bay theo đội hình một cách ung dung. Chúng bay ung dung là đúng, vì lúc bấy giờ ở chiến trường miền Nam, Việt Cộng làm gì có vũ khí nào bắn hạ B52 đâu!

Chúng bay, ung dung và ngạo nghễ, còn chúng tôi, sau khi thoát trận bom, cũng chỉ biết ngước mắt nhìn. Lo cho Hà Nội, thương thầy má tôi đã già yếu, cũng vì tôi biết khả năng hủy diệt của những trận bom B52. Chúng tôi ở chiến trường thì sao cũng được, nhưng cứ nghĩ Hà Nội phải đội bom B52, thật không thể chịu nổi!

Bây giờ chiến trường đã ngay giữa lòng Hà Nội. Và những tốp B52 từng ngạo nghễ thả bom xuống đầu chúng tôi ở những cánh rừng chiến khu hay chiến trường đồng bằng Nam Bộ, giờ lại ngạo nghễ bay và thả bom rải thảm từ trên cao 10.000 mét xuống những mái phố Hà Nội .

Trong cái đêm 29/12 đầy bất an ấy, đột nhiên tôi nghe được từ chiếc radio xách tay của người bạn cùng nhóm đang mở Đài tiếng nói Việt Nam, vang lên một giai điệu mãnh liệt: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời/Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời/…”. Một bài hát vang lên từ trong lửa, và rực sáng như lửa. Cả nhóm chúng tôi dừng lại, chỉ để nghe cho trọn bài hát.

Khi bài hát đã ngừng, mấy anh em lặng nhìn nhau. Không ai nói gì. Nhưng mắt ai cũng rơm rớm ướt. Không thể nói được lúc ấy chúng tôi nghĩ gì. Bởi trong lòng mình cứ ngổn ngang, vừa đau xót, vừa uất ức, vừa tự hào. Nhưng trên tất cả, chúng tôi biết Hà Nội mình đã đứng vững. Người ta chỉ hát khi đã đứng vững. Bài hát  “Hà Nội-Điện Biên Phủ” nói giùm chúng tôi tất cả những tình cảm trái ngược ấy.
Mãi sau này, khi có dịp gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, mới được nghe ông kể. Đêm 27/12/1972, một đêm sau trận ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên, B52 lại thả bom Hà Nội. Đêm ấy nhạc sĩ Phạm Tuyên trực chiến ngay ở trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam 58 phố Quán Sứ. Còi báo động, nhạc sĩ xuống hầm cùng mấy đồng nghiệp.

Giữa tiếng bom rền, tiếng đạn pháo phòng không chát chúa, tiếng rít ghê người của tên lửa Sam tạo thành một nền âm thanh dữ dội, dưới ánh đèn tù mù của hầm tránh bom, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết, như trong cơn xuất thần, bài hát “Hà Nội-Điện Biên Phủ”.

  Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 (ảnh tư liệu)
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 (ảnh tư liệu)


Sáng 28/12, nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉnh sửa lại phần lời cho nhuyễn, và mấy anh em: Phạm Tuyên, Trần Thụ (ca sĩ), Kim Oanh (ca sĩ) cùng nghệ sĩ piano Hoàng Mãnh đã gấp rút tập bài hát này.

Và đêm 29/12, bài hát đã được lên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, phát cho cả nhân dân Việt Nam và thế giới nghe, giữa khi những trận bom rải thảm của B52 xuống Hà Nội vẫn chưa chấm dứt. Sau đó, bản nhạc đã được chuyển về nơi sơ tán cho Dàn hợp xướng Đài tiếng nói Việt Nam tập và thể hiện. Nghệ sĩ Trần Khánh lĩnh xướng.

Và đây là câu chuyện trước đó đúng ba mươi năm, ở nước Nga: “Ngày 23/9/1942, bản giao hưởng “Leningrad” của nhạc sĩ thiên tài Nga Dmitri Shostakovich đã được công diễn ở Matxcơva. Báo động phòng không giữa buổi hòa nhạc. Đạn nổ đầy trời. Âm nhạc vẫn cứ bay lên. Không một ai rời khỏi chỗ. Shostakovich mạnh hơn Hitler!

Và tại Leningrad bị phong tỏa có 15 nhạc sĩ ngồi lắng nghe, xúc động lặng người. Họ thề rằng phải biểu diễn bản giao hưởng “của mình” đó ở đây, chính tại Leningrad này! Và họ đã thực hiện được điều tưởng như không thể đó vào năm 1942 ở thành phố đang ngắc ngoải giữa vòng vây xiết chặt của quân thù” (trích theo Hà Linh Quân “Bản giao hưởng anh hùng của thế kỷ 20”).


Tôi không so sánh Phạm Tuyên với Shostakovich, hay so sánh ca khúc “Hà Nội-Điện Biên Phủ” với “ Giao hưởng số 7” còn được gọi là “Giao hưởng Leningrad”, một tác phẩm thiên tài của nhân loại.

Nhưng có gì như sự tương đồng về số phận giữa hai tác phẩm này, hai tác phẩm đã sinh ra trong đớn đau, phẫn nộ, dằn xé, tự hào. Hai tác phẩm được sinh ra từ lòng yêu nước, và chỉ duy nhất lòng yêu nước mới khiến nhạc sĩ sáng tạo được những tác phẩm như vậy, vào đúng thời điểm bi tráng nhất của một đất nước, một dân tộc.

Hai tác phẩm đã sinh ra cách nhau đúng 30 năm. Nếu mùa thu năm 1942, dàn nhạc giao hưởng lớn nhất nước Mỹ đã biểu diễn 60 lần bản “Giao hưởng Leningrad” cho nhân dân toàn nước Mỹ nghe, thì cuối tháng 12 năm 1972, những người Mỹ yêu chuộng hòa bình và chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã nghe bài hát “Hà Nội-Điện Biên Phủ” qua làn sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam.

Một ca khúc giản dị nhưng đã nói lên được ý chí không thể bẻ gãy của người Hà Nội, người Việt Nam. Ngày 30/12/1972, sau 12 ngày đêm Mỹ dùng B52 và lực lượng không quân hùng mạnh nhất đánh bom Hà Nội và Hải Phòng, chiến dịch “Linerbacker 2” đã kết thúc thất bại.

Ca khúc “Hà Nội-Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trở thành một “nhịp cầu âm nhạc” nối Hà Nội với hàng chục triệu người Việt Nam yêu nước, nối Hà Nội với bạn bè yêu Việt Nam trên khắp năm châu./.

 


.