Tiến về Hà Nội!

02:10, 09/10/2012
.

Niềm tin và tình yêu tha thiết vẫn lan tỏa trong mỗi ca từ, mỗi nốt nhạc "Tiến về Hà Nội", lan tỏa cả trong trái tim và tâm hồn mỗi người yêu Hà Nội trong những ngày tháng 10 lịch sử này!
 

 

[audio(9968)]



Ca khúc: TIẾN VỀ HÀ NỘI
Sáng tác: Văn Cao
Thể hiện: Tốp ca


“Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”

Câu hát quen thuộc trong  "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao vẫn đều đặn vang lên, náo nức những ngày thu Hà Nội nhiều cảm xúc này!

Ít ai ngờ rằng, "Tiến về Hà Nội" được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ năm 1949, bởi bài hát đã miêu tả cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô một cách quá tài tình, với tất cả tình cảm và nhiệt huyết của chính tác giả.

Bài hát được viết theo thể loại hành khúc đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Năm 1949, một số văn nghệ sĩ - trong đó có nhạc sỹ Văn Cao được Trung ương triệu tập để phổ biến tình hình chiến sự. Khi được nghe về chủ trương “tổng phản công”, ai cũng vui mừng khôn xiết, thiết tha mong sớm có ngày trở về Hà Nội.

Chính trong những giây phút ấy, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài hát này. Ông nói: “Tôi sáng tác Tiến về Hà Nội trong một đêm thu, bầu trời trong vắt, đầy sao, không gian tràn ngập ánh trăng và thơm ngát mùi lúa ngậm đòng” (Trích trong "Văn Cao - đời và người").

Thật kỳ lạ, bởi không gian ấy chưa phải là không gian Hà Nội chiến thắng, mừng đón Cha Già, thời gian ấy cũng còn cách xa ngày giải phóng Thủ đô sau này đến 5 năm. Ấy vậy mà tác giả vẫn thấy cảnh tượng “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, vẫn nghe thấy “trùng trùng say trong câu hát”, vẫn tràn đầy tự hào “chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”  và bừng bừng một hi vọng mãnh liệt “cả cuộc đời tươi vui về đây”.

Trong cảnh rực rỡ cờ hoa “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” ấy, tương lai tươi sáng cho Hà Nội thân yêu đã hiển hiện trước mắt.


“Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa,
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu!
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay,
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên.”

Hà Nội sẽ được xây dựng lại, sẽ đẹp như  xưa và đẹp hơn ngày xưa. Nhưng viễn cảnh đó không hề viển vông, những bông hoa đó là do chính bàn tay "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" vun trồng.

Bóng tối của buồn thương, chiến tranh, chia li bao năm đã tan sạch đi dưới bước chân hào hùng của những người chiến sỹ giải phóng.

"Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về
Hà Nội bừng Tiến quân ca."

"Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác, nhưng có lẽ có một điều quan trọng hơn: đây một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây từng phút sau khi ra đời.

"Tiến về Hà Nội" đã được yêu mến, được hát vang trên những con đường Hà Nội trong ngày giải phóng 10/10, trong những năm tháng "mịt mù bão lửa" cho đến "một thời hòa bình". "Tiến về Hà Nội" vẫn tràn sức sống cho tới tận ngày nay, bởi nó mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả.

Tôi thường tự hỏi vì sao nhạc sỹ Văn Cao lại có thể viết về ngày giải phóng như vậy từ trước khi ngày ấy đến 5 năm. Có lẽ tôi đã tìm ra câu trả lời: đó là một niềm tin tất thắng không gì lay chuyển và tình yêu son sắt với Thủ đô Hà Nội đã được phổ vào bài hát. Niềm tin và tình yêu ấy vẫn lan tỏa trong mỗi ca từ, mỗi nốt nhạc "Tiến về Hà Nội", lan tỏa cả trong trái tim và tâm hồn mỗi người yêu Hà Nội trong những ngày tháng 10 lịch sử này!

Theo Vietnannet


 


.