Đọc tác phẩm: "Phát triển nhân tài chấn hưng đất nước", suy nghĩ về sử dụng cán bộ

02:12, 23/12/2012
.

(QNg)- Việc sử dụng cán bộ là một nghệ thuật cần được nghiên cứu kỹ cả lý luận và thực tiễn. Sau khi đọc cuốn sách "Phát triển nhân tài chấn hưng đất nước" của tác giả Nguyễn Đắc Hưng, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Hà Nội xuất bản năm 2007, tôi rất tâm đắc với những đề cập của tác giả về việc đề bạt và sử dụng cán bộ, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

 


Một trong những bí quyết sử dụng nhân tài thành công là đề bạt cán bộ. Việc đề bạt phải dựa vào thành tích công tác và thử thách qua công việc, chứ không nên dựa vào cảm tính. Đề bạt đúng người sẽ có tác dụng tích cực, bồi dưỡng tinh thần phấn đấu vươn lên của người được đề bạt và cả tập thể. Vì vậy, trước khi đề bạt cán bộ, người lãnh đạo phải cân nhắc kỹ nhiều mặt và khi đã xác định người đó có đủ khả năng đảm nhiệm được chức vụ thì dứt khoát đề bạt, không thể dựa vào yêu thích cá nhân. Việc đề bạt cán bộ không nên quá nhanh sẽ không có lợi cho cán bộ. Bởi vì, nếu đề bạt quá nhanh sẽ không đủ thời gian để cán bộ đó tích lũy tri thức và kinh nghiệm, đồng thời cũng không có đủ thời gian để tập thể và lãnh đạo nhận xét, đánh giá một cách chính xác. Bên cạnh đó dễ làm cho cán bộ chủ quan, thiếu khiêm tốn, tự cho mình là quá tài giỏi mà sinh lòng ham hố quyền lực.

Việc sử dụng người nhất thiết phải căn cứ vào sở trường, khả năng của cán bộ mà bố trí công việc cho phù hợp. Trong quá trình dùng người cần hết sức thận trọng để tránh dùng phải loại người "ba phải", không có lập trường chính kiến rõ ràng, gió chiều nào che chiều ấy.

Loại người này không thể giao những công việc quan trọng vì dễ làm hỏng việc. Không dùng loại người chỉ nói mà không làm hoặc nói thì hay làm thì dở. Không chấp nhận loại người vô cảm, không có tình nghĩa trước sau. Không đề bạt những người chỉ là "cái bóng" của lãnh đạo. Vì họ chỉ biết học theo lãnh đạo một cách máy móc mà không có chút sáng tạo. Không nên đề bạt những người chỉ biết nịnh hót, mơn trớn làm đẹp lòng lãnh đạo. Người này luôn "vâng lời" lãnh đạo một cách tuyệt đối, trong lòng luôn thường trực một nỗi lo sợ, không dám tỏ rõ chính kiến của mình mặc dù thấy việc làm của lãnh đạo là không đúng, chỉ tâm niệm một điều miễn là làm vui lòng thủ trưởng.

Không sử dụng những người lừa thầy phản bạn, vì đây là những người không có tình nghĩa, luôn có lòng phản trắc, mưu lợi ích cá nhân. Trong quá trình sử dụng cán bộ cần hết sức lưu ý để có thể phân biệt người trung thực và người không trung thực, việc phân biệt này được thể hiện ở một số điểm sau:

Người trung thực không tranh giành đoạt lợi, chức vụ, địa vị bằng mọi giá, không mua danh bán chức mà luôn có ý thức phấn đấu vươn lên bằng chính đạo đức và tài năng của mình, không nịnh hót cấp trên, không sống hai mặt hai lòng, sống lương thiện, độ lượng, hành động thì quang minh chính đại.

Người không trung thực thì háo danh, kèn cựa, đố kỵ với người hơn mình, tranh giành quyền lợi và chức vụ không từ một thủ đoạn nào. Họ xu nịnh thủ trưởng, có nhiều quỷ kế, quen ngầm hại người, gây điều thị phi, đặt điều cho người khác. Họ giỏi khoa môi múa mép tâng bốc bản thân mình, thích "cáo mượn oai hùm". Khi họ được lợi thì hớn hở, không lợi thì bất mãn; "qua cầu rút ván" không có tình nghĩa trước sau, bị thiệt thì sinh sự, kéo bè kết đảng, ly gián gây rối nội bộ. Trong số những người không trung thực thì đáng sợ nhất là loại người đạo đức giả nên phải hết sức cảnh giác và dứt khoát không dùng.

Nguyên tắc sử dụng cán bộ là phải tin những người cộng tác với mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ, nếu không tin thì không dùng, không thể tặc lưỡi cho qua và châm chước rồi sau này lại hối tiếc. Đối với cán bộ dưới quyền, khi giao việc phải chân thành, mạnh dạn giao nhiệm vụ và quy rõ trách nhiệm, tạo cơ hội cho cấp dưới khi gặp trắc trở, không can dự vào công việc của cấp dưới khi họ đang điều hành có hiệu quả, nhưng khi phát hiện thấy cấp dưới của mình phản bội thì mãi mãi không dùng, chuyển làm công việc khác và không giao nhiệm vụ quan trọng. Nên áp dụng chính sách đề bạt có thời hạn, sau một thời gian sẽ sát hạch lại.

Thành tích đạt được là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá năng lực của cán bộ, trên cơ sở đó có thể bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm cán bộ. Có như vậy họ mới phát huy hết tài năng, sáng tạo và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn phấn đấu vươn lên và cảm thấy yên tâm vì được lãnh đạo tin dùng. Khi cấp dưới hoàn thành tốt công việc, lãnh đạo cần động viên khen thưởng kịp thời. Sự biểu dương của lãnh đạo khiến cho họ nhận thức được giá trị của mình trong tập thể và hiểu rằng lãnh đạo đã đánh giá đúng công sức đóng góp của mình.


Võ Ngọc Thạch
 


.