Nâng bước cho học sinh vùng sâu, vùng xa đến trường

08:09, 17/09/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Năm học này, ngành GD&ĐT được cấp kinh phí khoảng 35 tỷ đồng để cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho học sinh các trường bán trú ở miền núi, có ý nghĩa thiết thực chung tay nâng bước cho học sinh ở vùng sâu đến trường.
Trường là nhà

Tùng tùng tùng…! Hồi dài trống báo hiệu hết buổi học, các em học sinh Trường THPT Trà Bồng về nhà bán trú phía sau lớp học. Từng em nhanh nhẹn cất cặp sách rồi cùng nhau vào bếp nấu ăn.

Dù không có bố mẹ, nhưng với em Hồ Thị Nguyễn Dung, học sinh lớp 12, ở thôn Trà Ngon, xã Trà Tân và các bạn vẫn hạnh phúc đong đầy vì với các em, trường học là nhà, thầy cô giáo là cha mẹ.
 
“Nhà cách trường 27km, không thể đi lại trong ngày, hai năm học trước em phải ở trọ, tiền ăn và tiền nhà trọ tốn 1 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy là quá lớn với chúng em. Nay em xin được vào ở bán trú trong trường. Không chỉ đỡ được chi phí ăn ở mà còn được gần gũi bạn bè, thầy cô giúp em học tập tốt hơn” - em Dung thổ lộ.
 
Học sinh ở bán trú tại Trường THPT Trà Bồng.
Học sinh ở bán trú tại Trường THPT Trà Bồng.

Khu bán trú của trường có 8 phòng ở, nhà tắm, vệ sinh khép kín và khu bếp là nơi ăn ở, sinh hoạt cho gần 100 học sinh. Đây là những học sinh dân tộc thiểu số, nhà các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, cách trường vài chục cây số, không thể đi lại trong ngày.

Cô Lê Thị Ngộ, giáo viên Trường THPT Trà Bồng chia sẻ: “Nhờ ở bán trú của trường, được ăn, ở tại chỗ, không mất thời gian đi lại xa, gần gũi bạn bè, được thầy cô giáo quan tâm, các em chuyên tâm hơn vào việc học”.
 
Tại Trường PTBT TH&THCS Trà Lâm, một trong những nơi khó khăn nhất của huyện Trà Bồng, việc xây dựng nhà bán trú có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp trường khắc phục được tình trạng học giã gạo, bỏ học của học sinh.
 
Các em được ăn, ở tại chỗ.
Các em được ăn, ở tại chỗ thay về đi về nhà cách trường vài chục km.
 
“Khu bán trú của trường có 90 học sinh. Nhà trường thuê nhân viên nấu ăn cho học sinh. Giáo viên chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng các bữa ăn. Việc tổ chức bán trú đã giúp cho những học sinh ở khu vực xa xôi, hẻo lánh an tâm đến trường, học tập tốt hơn” - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS&TH Trà Lâm, cô Võ Thị Ngọc Thủy nói.

Nâng bước cho học sinh vùng sâu đến trường

Xây dựng các trường PTDTBT ở miền núi là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực, giúp học sinh vùng khó khăn có điều kiện ăn ở, học tập tại trường, chung tay nâng bước cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa đến trường.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh thành lập 39 trường PTDTBT. Do khó khăn về kinh phí nên hiện nay mới chỉ thành lập được 23 trường.

Do được thành lập trên cơ sở vật chất cũ nên khu bán trú của hầu hết các trường xuống cấp, tạm bợ, chỉ đáp ứng được từ 30 đến 40% nhu cầu của học sinh. Số còn lại các em phải tá túc, thuê trọ ở nhà dân hoặc về nhà, dù nhà xa đến vài chục cây số.

Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng, thầy Đỗ Ngọc Đức cho biết, ngoài chế độ chính sách cho học sinh bán trú, các em ở bán trú còn được nhà trường trang bị vật dụng cần thiết. Học sinh ăn ở, sinh hoạt tại chỗ nên công tác quản lý của trường cũng thuận tiện hơn. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của trường được nâng lên.
 
Ngoài  giờ học tập, các em còn được vui chơi để
Các em còn được vui chơi để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Tuy nhiên, nhà bán trú chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu ở bán trú của học sinh lại chưa được đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ nên nhà trường cũng rất lo ngại tình trạng người ngoài xâm nhập vào khu vực bán trú của học sinh.

Khu bán trú của Trường PTDTBT TH&THCS Trà Lâm cũng trong tình trạng xập xệ, ẩm thấp, chỉ có 4 phòng ở nhưng có tới 90 học sinh, 22 -23 em ở trong một phòng có diện tích chưa đầy 20m2.

Thiếu 8 phòng học và cả phòng ở bán trú cho 70 học sinh bậc TH nên trường chưa thể đưa học sinh TH ở các điểm trường lẻ về học tập tại điểm trường chính. Trường có 4 phòng học, buổi sáng dành cho học sinh THCS và học sinh TH học vào buổi chiều.

Để từng bước giải quyết bài toán về kinh phí đầu tư cho các trường PTDTBT, năm học này, Quảng Ngãi là 1 trong 3 tỉnh được Bộ GD&ĐT hỗ trợ kinh phí để cải thiện cơ sở vật chất và điều kiện ăn ở cho học sinh các trường PTDTBT tại các huyện miền núi trong tỉnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết, tổng kinh phí được hỗ trợ khoảng 35 tỷ đồng, trong đó Bộ GD&ĐT hỗ trợ 26 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh gần 9 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng ăn ở cho học sinh ở bán trú, hạn chế tình trạng bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi.

Bài, ảnh: A.KIỀU
 

.