Ngành giáo dục Quảng Ngãi: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

09:01, 02/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành giáo dục Quảng Ngãi đã và đang tập trung cải cách, sáng tạo, đổi mới về phương pháp giảng dạy và học tập... nhằm nâng chất lượng giáo dục tỉnh nhà lên một tầm cao mới.

TIN LIÊN QUAN

Luồng gió mới từ Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục... đã tác động mạnh mẽ đến ngành giáo dục tỉnh nhà.

Đổi mới trong cách dạy và điều hành

Ở bậc học mầm non, nhiều cô nuôi dạy trẻ đã sáng tạo trong việc dạy trẻ và thật sự “như mẹ hiền”. Cô Vy Thị Tuyết Mai, giáo viên Trường Mầm non 17.3 thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) chia sẻ: Để trẻ nhớ lâu, hiểu biết nhiều buộc giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy. Thay vì dạy trẻ nhận biết sự vật xung quanh tuần tự theo sách vở thì mình thực hiện việc tích hợp, liên hệ thực tế, bằng những tranh, ảnh sống động”. Cách dạy này giúp trẻ hiểu và nhớ lâu, mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với bạn bè, với sự vật xung quanh. Cô Mai vinh dự được ngành giáo dục tỉnh chọn dự liên hoan giáo viên dạy giỏi toàn quốc năm 2014.

 Đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục mầm non ngày càng nâng cao.                                                                                                           Ảnh: M.H
Đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục mầm non ngày càng nâng cao. Ảnh: M.H


Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Cô Thái Thị Như Uyên, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) có hơn 25 năm trong nghề, nhưng cách dạy của cô luôn mới. Cô Uyên cho rằng, ngày trước giáo viên chủ động dạy, học sinh thụ động nhận lấy kiến thức; còn bây giờ cả giáo viên và học sinh đều phải chủ động, trong đó học sinh là trung tâm, nên buộc giáo viên phải luôn cập nhật kiến thức để học sinh khỏi nhàm chán mỗi khi lên lớp. Trong giờ học, cô Uyên luôn giao việc cho các em để các em tự tìm kiến thức, trao đổi với bạn bè, nhóm để đi đến kết quả thống nhất, không để em nào trông chờ, ỷ lại em nào. "Muốn làm tốt điều đó giáo viên phải luôn nghiên cứu kỹ bài học trước khi lên lớp", cô  Uyên chia sẻ.

 Mặt khác, để đổi mới phương pháp dạy học thành công, trước hết, lãnh đạo nhà trường phải thay đổi cách điều hành. Tại Trường THCS Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cùng với việc rà soát toàn bộ năng lực, cách dạy, làm việc của cán bộ, giáo viên, học sinh, Ban giám hiệu còn tham gia họp kiểm điểm từng tổ chuyên môn, kiểm điểm toàn trường, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng quản lý. "Trường chỉ đạo công khai các bài kiểm tra. Đối với bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ, giáo viên điều rọc phách để tạo sự công bằng”, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng Đặng Mạnh Hùng, cho hay. Trường còn cho kiểm tra chéo, lấy điểm lưu trữ từ 4 bộ phận/một đầu bài. Vì vậy, chất lượng bài làm rất thực, tình trạng khiếu nại bài kiểm tra không còn.
 

Thời gian đến, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách lối sống, kiến thức pháp luật, ý thức công dân, chủ động hội nhập có hiệu quả và hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh…”
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TRẦN HỮU THÁP.

Cần sự tham gia của cả cộng đồng

Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành giáo dục Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm học qua, ngành đã thành công trong việc tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh. Năm học 2016 – 2017, ngành đã hạn chế được tình trạng mất cân đối, thừa thiếu giáo viên cục bộ trong từng đơn vị giáo dục, nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn cán bộ quản lý...

Ngành đã huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt gần 99,9%; 100% trẻ mầm non đến trường đều đảm bảo sức khỏe, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm. Đây là nền tảng để năm 2016 vừa qua, ngành đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non. Trong năm, ngành giáo dục miền núi đã tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trong hè trước khi bước vào lớp 1, triển khai sâu rộng chương trình trường học mới (VNEN), 100% trường tổ chức dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục.

Đây cũng là năm đầu tiên tổng kết sau một năm thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT DTNT tỉnh. Ngành cũng chú trọng đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh… Quy mô và mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển. Chất lượng giáo dục tăng, tỷ lệ học sinh khá giỏi, học sinh đạt hạnh kiểm tốt tăng. Năm học 2015 – 2016 có 19 học sinh đạt giải quốc gia, tăng 3 giải so với năm trước; tỷ lệ đạt tốt nghiệp THPT 92%; trong đó, cụm thi địa phương đạt hơn 85%, cụm đại học đạt 94%...


Mai Hạ

 


.