Nâng tuổi nghỉ hưu: Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

10:09, 22/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội một lần nữa đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động tới đây. Thông tin này có nhiều người mừng nhưng cũng không ít người lo.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải là chuyện mới, ngay từ năm 2006 vấn đề này đã được nêu ra. Năm 2014, bộ chủ quản tiếp tục đưa ra dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, có kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, dư luận không thuận theo mà còn chỉ ra việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến việc quy hoạch cán bộ, đến hoạt động của các doanh nghiệp, và bản thân người lao động trong một số lĩnh vực cũng không muốn tăng tuổi lao động… Bởi thế tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Luật BHXH được thông qua đã giữ nguyên quy định về tuổi hưu như cũ, 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi với nữ (trừ một số trường hợp đặc biệt được rút ngắn tuổi hưu). 

Lần này, lý do Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục trình dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có mục kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu lần này chính là để thích ứng với việc tốc độ già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh, tuổi thọ bình quân tăng, trong khi Quỹ BHXH đang đứng trước nguy cơ mất cân đối do thời gian chi trả lương hưu kéo dài... Tuy nhiên, một lần nữa đề xuất này lại vấp phải hai luồng ý kiến đối ngược rõ rệt. 
 
 
Những người làm việc trong các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại không mặn mà với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Những người làm việc trong các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại không mặn mà với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Người mừng phần lớn là cán bộ đang hưởng lương từ ngân sách, còn người lo là hàng triệu lao động trực tiếp sản xuất. Những người mừng trước thông tin trên bởi họ có thêm nhiều năm làm việc, nhiều năm hưởng lương. Trong khi người lo sẽ phải dài cổ chờ nhận những đồng lương hưu ít ỏi trong khi không còn sức lao động. 

Luồng ý kiến đồng tình cho rằng, sẽ lãng phí nếu không sử dụng nguồn lực từ rất nhiều người có trình độ, năng lực, khả năng cống hiến nhưng đến tuổi nghỉ hưu. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng đang diễn ra nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động giảm do chính sách giảm sinh. Dự báo đến năm 2035, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi lên người lao động - tỷ số giữa số người từ 65 tuổi trở lên so với 100 người trong độ tuổi từ 15- 64 tuổi sẽ tăng lên xấp xỉ 22 (hiện nay là 10).

Bên cạnh đó, khi tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam ngày càng tăng lên, khiến Quỹ BHXH đứng trước nguy cơ mất cân đối, do thời gian chi trả lương hưu kéo dài. Do đó, nếu không cân nhắc tới việc tăng tuổi hưu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai. Do vậy, đây là thời điểm cần thiết đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian cống hiến của người có năng lực. 
 
Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến chia sẻ với bộ chủ quản về việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, phía những người không đồng tình cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động lớn, thậm chí khó lường về xã hội, chính trị, và hạn chế cơ hội của nguồn nhân lực trẻ. Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp cho biết, đối với người lao động trong các ngành đặc thù, hoặc những việc đòi hỏi sức khỏe dẻo dai thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu.
 
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân - Công đoàn cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Thế nhưng 10 năm nữa hãy tính đến bởi lúc này nguồn nhân lực trong nước còn dồi dào và hiện có hơn 400 nghìn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. “Một số lượng lớn lao động trẻ đang cần chỗ làm việc, nếu người đến tuổi nghỉ theo quy định mà ở thêm thời gian thì sẽ mất cơ hội của người trẻ. Sự thất nghiệp của người già không quan trọng bằng của người trẻ, đó là sự an nguy của lực lượng lao động trẻ”.
 
Từ những ý kiến trái chiều trên thiết nghĩ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán đến hai yếu tố: ngành nghề và sức ép việc làm đối với lao động trẻ. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần một lộ trình dựa trên những nghiên cứu khoa học căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Việc nhiều nước trên thế giới đã tăng tuổi hưu có thể xem là kinh nghiệm, mang tính chất tham khảo chứ không thể áp dụng trực tiếp cho Việt Nam.
 
Để tránh dư luận xã hội về việc tăng tuổi hưu sẽ tạo ra tâm lý “tham quyền cố vị”, “giữ ghế”, ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của thế hệ trẻ cần phải có một lộ trình tăng dần tuổi hưu theo lũy tiến. Bên cạnh đó, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo sự linh hoạt, minh bạch hóa quá trình tuyển dụng, hạn chế độ tuổi nhất định cho từng công việc, đặc biệt là khu vực hành chính sự nghiệp. 
 
T.Nhi

 


.