Chất lượng nông sản, thực phẩm: Còn nhiều lo lắng

10:12, 17/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, lực lượng chức năng của ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).
 
[links()]
 
Vẫn còn băn khoăn
 
Sau giai đoạn giãn cách, hạn chế tiếp xúc do dịch Covid-19 kéo dài, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua hàng trực tuyến. Nhìn sản phẩm thơm ngon bắt mắt nhưng khách hàng vẫn thấp thỏm âu lo về vấn đề ATTP, vì họ hoàn toàn không biết công đoạn nhập nguyên liệu, chế biến... của các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm hoặc kinh doanh ăn uống như thế nào. Chị Huỳnh Thị Thúy Vy, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết, dù đặt hàng trực tuyến hay mua trực tiếp tại cơ sở sản xuất, cửa hàng thì tôi vẫn không yên tâm về vấn đề ATTP. Nhiều sản phẩm như nem, chả hay khô hải sản trông hấp dẫn, nhưng lại không có thông tin về nguồn gốc nguyên liệu hoặc hàm lượng, chỉ tiêu, thành phần...
 
Cơ sở sơ chế mực xà tại xã Bình Chánh (Bình Sơn).     Ảnh: Mỹ Hoa
Cơ sở sơ chế mực xà tại xã Bình Chánh (Bình Sơn). Ảnh: Mỹ Hoa
Lo lắng của người tiêu dùng không phải không có cơ sở, vì hầu hết các sản phẩm thực phẩm, nông sản của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) là tự công bố. Để tự công bố, DN tiến hành kiểm nghiệm kết quả, chất lượng sản phẩm dựa trên các hàm lượng, chỉ tiêu, giới hạn an toàn dưới hoặc tối đa bằng mức quy định của Bộ Y tế. Từ kết quả tự công bố của DN, cơ quan quản lý nhà nước về ATTP sẽ hậu kiểm, tức là lấy mẫu sản phẩm lưu thông trên thị trường để phân tích và so sánh các thành phần và chỉ tiêu, hàm lượng trong sản phẩm có đúng với bản công bố, có đảm bảo an toàn cho người sử dụng hay không.
 
Trên thực tế, không phải các mẫu nông sản, thực phẩm đều được ngành chức năng tiến hành hậu kiểm, trong khi hành vi vi phạm ATTP ngày càng phức tạp, tinh vi. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), thì việc lấy mẫu, giám sát không thể thực hiện đại trà, mà thường tập trung vào các nhóm sản phẩm hoặc những công đoạn có nguy cơ cao về ATTP. Năm 2022, Chi cục tiếp nhận 60 bản tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và tổ chức hậu kiểm đối với hàng chục cơ sở. Lấy 172 mẫu thực phẩm nông, thủy sản để kiểm nghiệm chất lượng, phát hiện 4 mẫu không đáp ứng các quy định. Với những mẫu vi phạm, đơn vị đã cảnh báo nguy cơ, yêu cầu chủ thể sản xuất, kinh doanh khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh.
 
Tăng cường công tác hậu kiểm
 
Theo kết quả giám sát ATTP năm 2022 của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh, có 6/79 mẫu thực phẩm, gồm 2 mẫu chả thịt, 2 mẫu tỏi và 2 mẫu thực phẩm thủy sản vượt mức giới hạn chất bảo quản, vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng; 16/85 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định, cơ quan chức năng xử phạt trên 266 triệu đồng. Hầu hết những vi phạm tập trung vào việc sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm; sử dụng chất cấm, không rõ nguồn gốc; cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP...
 
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Nguyễn Đức Bình cho biết, thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ATTP, thì song song với việc tiếp nhận bản tự công bố, đơn vị chức năng cũng đã siết chặt công tác hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm. Điều này vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, DN, chủ thể sản xuất, kinh doanh, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong những tháng cuối năm 2022 và tết Nguyên đán 2023, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân trong tỉnh tăng cao. Vì vậy, bên cạnh tăng cường và thường xuyên hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm, Chi cục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP; đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về ATTP.
 
MỸ HOA
 
 

.