Cụm công trình khoa học làm lợi hàng nghìn tỷ đồng

10:12, 14/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đội ngũ cán bộ, kỹ sư nhà máy đã tập trung nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, cho ra đời cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng KHCN tối ưu hóa quá trình sản xuất của NMLD Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR”, với 16 giải pháp, công trình, mang lại giá trị kinh tế trên 4.200 tỷ đồng.
 
[links()]
 
Đội ngũ kỹ sư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật trong quá trình vận hành sản xuất.
Đội ngũ kỹ sư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật trong quá trình vận hành sản xuất.
Mới đây, cụm công trình khoa học nói trên đã vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Đây là thành quả xứng đáng cho cả quá trình lao động, nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đầy tính sáng tạo với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các kỹ sư, người lao động BSR.
 
Miệt mài sáng tạo, vượt khó
 
Những thành tựu khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng và phát triển KHCN của cụm công trình đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có 14 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tập đoàn; 9 giải pháp đạt giải thưởng Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), 4 giải pháp đạt giải thưởng quốc tế về khoa học công nghệ (SIIF) do Hiệp hội Thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc (KIPA) trao tặng; đạt giải A, Giải thưởng Khoa học và công nghệ dầu khí lần thứ II năm 2020 và 5 giải pháp được công bố trên Sách Vàng sáng tạo Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội cho biết, giai đoạn 2015 - 2019, NMLD Dung Quất phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, nguy cơ không đủ nguyên liệu dầu thô cho hoạt động ổn định của nhà máy, do nguồn dầu thô Bạch Hổ ngày càng suy giảm về sản lượng cũng như chất lượng. Trong khi đó, giá dầu và sản phẩm biến động mạnh dẫn đến hiệu quả của NMLD Dung Quất sụt giảm liên tục. Chi phí cho nguyên liệu dầu thô chiếm tới 94 - 95% tổng chi phí hoạt động của BSR, vì vậy chỉ cần giảm được 1% giá dầu thô đầu vào là bằng hàng chục, hàng trăm phần trăm những khoản chi phí tiết kiệm khác.

 
Để giải quyết thực trạng trên, BSR quyết tâm đẩy mạnh, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng KHCN tiên tiến để tối ưu hóa vận hành sản xuất của NMLD Dung Quất. Mục đích là để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế có nhiều biến động bất thường và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
 
Trong giai đoạn 2015 - 2019, BSR đã triển khai thực hiện cụm công trình với 16 sáng kiến, công trình nghiên cứu tối ưu hóa trên toàn bộ dây chuyền công nghệ của NMLD Dung Quất. Trong đó, tập trung vào các khâu trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vận hành, chi phí sản xuất, hiệu quả kinh doanh của nhà máy. “Các giải pháp tối ưu hóa tập trung nhiều vào những việc xử lý tồn tại kỹ thuật, vì vậy trong quá trình triển khai sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tác động xấu đến máy móc, thiết bị vận hành. Ngoài ra, còn có những khó khăn khác. Chỉ thật bản lĩnh, nắm rất rõ kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới giúp cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư BSR vượt qua mọi thách thức để đạt được những mục tiêu đã đề ra”, Phó Giám đốc NMLD Dung Quất Đặng Ngọc Đình Điệp cho biết.
 
Thiết thực, hiệu quả
 
Hiệu quả cụm công trình mang lại đã nâng cao khả năng chế biến nhiều chủng loại dầu thô mới trong và ngoài nước, góp phần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo đủ nguyên liệu với giá cạnh tranh cho NMLD Dung Quất. Đồng thời, sáng tạo ra một giải pháp kỹ thuật công nghệ mới giúp loại bỏ trên 70% các tạp chất kim loại sắt và canxi trong nguyên liệu dầu thô, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định cho phân xưởng chính Cracking xúc tác (RFCC) và giảm tiêu thụ xúc tác với giá trị trên 10 triệu USD/năm; đồng thời nâng công suất phân xưởng xử lý Kerosene (KTU) lên đến 130% so với thiết kế, giúp nhà máy sản xuất thêm 1,02 - 1,09 triệu thùng nhiên liệu phản lực Jet A1/năm, tương ứng lợi nhuận tăng thêm trên 3 triệu USD/năm... Ngoài ra, cụm công trình đã phát triển thành công một loại sản phẩm mới là dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) theo tiêu chuẩn quốc tế IMO-2020 có chất lượng và giá trị cao...
 
Cán bộ, kỹ sư vận hành sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cán bộ, kỹ sư vận hành sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cụm công trình cũng góp phần làm giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng EII của nhà máy từ mức 118% trong năm 2014 xuống mức 103 - 106% trong các năm 2018, 2019. Tổng chi phí sản xuất của nhà máy giảm dần từ mức 7,1 USD/thùng dầu (năm 2014) xuống còn 4,9 USD/thùng dầu (năm 2019), tiết kiệm tương ứng 24 - 43 triệu USD/năm. Tổng hiệu quả kinh tế của cụm công trình tính đến ngày 31/12/2019 là 4.270 tỷ đồng.
 
Bài, ảnh: MINH THẢO
 

.