Dung Quất điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

03:05, 02/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh vượt trội về vị trí địa lý, cảng biển nước sâu, kết nối giao thông thuận lợi... nên KKT Dung Quất giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi cũng như Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 
 
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, tiếp tục mở ra cơ hội để Dung Quất phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Đòn bẩy để Quảng Ngãi phát triển
 
Từng là một trong những chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các xã khu đông huyện Bình Sơn, địa bàn KKT Dung Quất hôm nay đang chuyển mình đi lên một cách mạnh mẽ. 
 
 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.                      Ảnh: P.D
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: P.D
Từ năm 2005 trở về trước, khi Dung Quất chưa được “đánh thức”, chưa có sự hiện diện của công trình trọng điểm quốc gia Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu số 1 của Việt Nam, vùng đông Bình Sơn vẫn quẩn quanh với “bài toán” gian khó, nghèo khổ. Còn hôm nay, sự phát triển vượt bậc của KKT Dung Quất với những công trình, nhà máy đồ sộ “mọc lên" như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan Vina, KCN VSIP Quảng Ngãi... đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng đông Bình Sơn và các địa phương lân cận. Đặc biệt, nhờ có nhiều lợi thế về không gian biển, về công nghiệp, du lịch, KKT Dung Quất đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
 
Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 349 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 375 nghìn tỷ đồng (17,88 tỷ USD), trong đó có 53 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,696 tỷ USD và 296 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 337 nghìn tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng kết quả thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đạt nhiều kết quả vượt bậc, đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của Quảng Ngãi. Trong đó, tổng vốn thu hút đầu tư đạt trên 85,67 nghìn tỷ đồng, đạt 1.860% kế hoạch năm; sản lượng công nghiệp, dịch vụ đạt 180 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn 17,3 nghìn tỷ đồng, đạt 123,7% kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho trên 10 nghìn lao động. Lũy kế đến nay, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 64 nghìn lao động...
 
Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư
 
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, thuận lợi của tỉnh, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, cùng các sở, ngành và huyện Bình Sơn nhiệt tình, tận tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Đặc biệt, sự hiện diện của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư và Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, do Tập đoàn Hòa Phát đầu tư và các doanh nghiệp FDI đầu tư vào KCN VSIP Quảng Ngãi đã tạo động lực quan trọng biến KKT Dung Quất trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của Quảng Ngãi và là một trong những cực tăng trưởng mạnh mẽ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các dự án lớn này cũng chính là động lực để thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào KKT Dung Quất.
 
Khu Kinh tế Dung Quất đang tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm kinh doanh hạ tầng KCN để thu hút các lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp luyện cán thép; chuỗi dự án sản xuất các sản phẩm sau thép, cơ khí chế tạo, gia công hàng xuất khẩu; các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng; thu hút các dự án dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ logistics nhằm phát triển KKT Dung Quất trở thành trung tâm dịch vụ cảng đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.
 
Một góc Khu Kinh tế Dung Quất hôm nay. Ảnh: Minh Thu
Một góc Khu Kinh tế Dung Quất hôm nay. Ảnh: Minh Thu
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chia sẻ, Quảng Ngãi đang nỗ lực thực hiện chủ trương xem doanh nghiệp như những người bạn của mình, sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh quyết tâm cải cách hành chính triệt để, đặc biệt là hệ thống một cửa điện tử, nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và chính sách công, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số... nhằm giảm thời gian và chi phí tối đa cho DN, cho nhà đầu tư.
 
Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới
 
Phát biểu tại Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh mới đây xoay quanh nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp phân bổ không gian phát triển KKT Dung Quất một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó, mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư kinh doanh mới, bảo đảm sự phát triển hiệu quả, bền vững, thể hiện được tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh và cả nước.
 
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi ranh giới quy hoạch KKT Dung Quất có quy mô khoảng 45.332ha; là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu. Đây cũng là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
 
PHẠM DANH
 
 
 
 

.