Giữ nghề đan lát truyền thống

04:12, 28/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Minh Long không chỉ nổi tiếng là xứ sở của mây rừng, đồi chè xanh mát, mà nơi đây còn nổi tiếng với nghề đan lát mây, tre. Đây là nghề truyền thống, không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, mà còn gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. 
[links()]
 
Tâm huyết gìn giữ nghề xưa
 
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều vật dụng công nghiệp đã len lỏi khắp các làng quê ở vùng cao Minh Long. Nhưng nhiều gia đình người Hrê vẫn tâm huyết gìn giữ, trao truyền nghề đan lát. 
 
 Vợ chồng ông Đinh Văn Nghiêu với sản phẩm mây, tre đan của gia đình.
Vợ chồng ông Đinh Văn Nghiêu với sản phẩm mây, tre đan của gia đình.
Ông Đinh Văn Nghiêu ở làng Thượng Đố, xã Thanh An (Minh Long) là một trong những nghệ nhân giỏi đan lát. Để giới thiệu với khách, ông Nghiêu lấy sản phẩm mây, tre gác trên bếp còn đậm màu nâu sẫm, rồi giải thích: “Sản phẩm mây, tre đan sở dĩ bền, không bị mối mọt là do chúng tôi dùng cách mà ông cha truyền lại. Khi gác trên khói bếp sẽ giúp mây, tre bền chắc hơn”. 
 
Ở mỗi góc trong phòng khách nhà ông Nghiêu đặt nhiều sản phẩm mây, tre đan. Ông Nghiêu bảo rằng, người dân Hrê bao đời quen dùng đồ đan lát bằng mây, tre. Gia đình tôi luôn giữ nghề và sử dụng sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây cũng là cách giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 
 
Nói rồi, ông Nghiêu giới thiệu nhiều vật dụng mây, tre đan mà ông đã làm như giỏ đựng cơm, nước uống khi đi rẫy, gùi dùng cõng nông sản, giỏ xách tay đựng sản vật thu hái từ rừng, giỏ đeo bên hông để đựng khi bắt cá...  Bên cạnh đó, còn có nhiều vật dụng quen thuộc gắn bó với cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương như nong, nia, sàn, dừng, thúng, mủng...
 
Thực hiện Đề án Phát triển tổng thể dịch vụ - du lịch trên địa bàn huyện Minh Long giai đoạn 2020 - 2025,  huyện Minh Long sẽ bố trí 2,5 tỷ đồng để xây dựng không gian văn hóa Hrê ở làng Thượng Đố (giáp với Khu du lịch Thác Trắng) và phục hồi một số nhà sàn, ruộng bậc thang, xây dựng làng nghề truyền thống mây, tre đan... Qua đó, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng.       

Biết đan lát từ tuổi niên thiếu, đến nay dù đã 70 tuổi nhưng ông Nghiêu vẫn cần mẫn mỗi ngày đan lát, tạo ra những vật dụng mây, tre truyền thống tinh xảo để dùng trong gia đình và bán cho nhiều người dân trong huyện.

 
Ở xã Thanh An, ông Đinh Văn Ngược cũng được xem là người đan lát giỏi. Dù cho nghề đan lát mất nhiều thời gian, thu nhập không cao, nhưng không chỉ ông Nghiêu, già Ngược mà nhiều gia đình Hrê ở Minh Long vẫn luôn tâm huyết giữ nghề. Theo ông Ngược, trước đây người Hrê hầu như ai cũng biết đan lát. Họ xem đó là nghề truyền thống và là niềm tự hào của dân tộc mình, của xóm làng mình... 
 
Cần phát triển làng nghề
 
Sản phẩm mây, tre đan tinh xảo, bền bỉ theo thời gian và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để giữ nghề, sống được bằng nghề và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thì người chuyên đan lát mây, tre còn gặp nhiều khó khăn. Bởi đa số người biết nghề, giỏi nghề là những bậc cao niên, còn thanh niên không mặn mà học nghề. Bên cạnh đó, hàng sản xuất công nghiệp nhiều tiện lợi, giá rẻ khiến nhiều mặt hàng mây, tre gặp khó trong cuộc cạnh tranh...
 
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Minh Long Trần Thị Mỹ Lan, nhiều vật dụng bằng nhựa, kim loại đã hiện diện trong đời sống hiện đại. Thế nhưng nhiều người dân vẫn rất ưa chuộng các vật dụng đan lát truyền thống từ mây, tre. Những sản phẩm này không đơn giản chỉ là đồ gia dụng, mà còn mang tính thẩm mỹ và các giá trị về văn hóa, tâm linh của đồng bào Hrê. Do đó, địa phương sẽ phát huy nét độc đáo của làng nghề mây, tre đan, gắn với phát triển du lịch. Qua đó từng bước tăng thu nhập cho người dân. 
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 

.