Cần nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng

09:12, 27/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Với tiềm năng, lợi thế vốn có, Quảng Ngãi có thế mạnh để phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phát triển kinh tế rừng vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị thực của kinh tế rừng.
[links()]
 
CHƯA KHAI THÁC HẾT LỢI THẾ
 
Diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 193 nghìn ha, chiếm 58% diện tích rừng hiện có. Hằng năm khai thác khoảng 35-40 nghìn ha rừng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc trồng rừng, sản xuất chế biến, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua mặc dù đã góp phần giải quyết được việc làm, thu nhập cho người dân… nhưng vẫn chưa có bước chuyển biến lớn về chất, thu nhập của người trồng rừng đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương.

“Việc khai thác rừng chưa đủ tuổi dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền người dân nên để chu kỳ dài hạn khai thác 7 - 8 năm, nhằm có nguồn lợi nhuận cao hơn, nhưng rất khó khăn. Bởi tâm lý người dân cần thu hồi vốn nhanh để trang trải cuộc sống, tái sản xuất, tránh rủi ro do mưa bão. Mặt khác, chưa có doanh nghiệp nào liên kết và ký kết với chủ rừng, người dân trong bao tiêu sản phẩm cây nguyên liệu gỗ lớn nên người dân còn e ngại”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ PHẠM NAM GIANG 

Người dân trồng rừng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có liên doanh, liên kết; kỹ thuật lâm sinh chưa đạt chuẩn, chu kỳ trồng rừng ngắn 4-5 năm đã làm giảm giá trị kinh tế, đặc biệt là đối với cây keo. Giá trị lợi nhuận sau khai thác chỉ đạt khoảng 40-50 triệu đồng/ha/chu kỳ.

Huyện Ba Tơ- một trong những địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn của tỉnh với khoảng 57 nghìn ha. Hàng năm khai thác khoảng 7.500 ha với sản lượng trung bình 586 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, hầu hết diện tích rừng sản xuất khai thác chủ yếu ‘bán non” cho các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ, sản xuất bột giấy, không có giá trị trong chế biến các đồ thủ công, gia dụng.
 
Lợi ích từ việc trồng rừng gỗ lớn đã được chính quyền các địa phương lẫn người dân nhận thấy và tính toán được bằng các con số cụ thể. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là, với đồng vốn sản xuất eo hẹp, người dân muốn ‘lấy ngắn nuôi dài’ và tránh rủi ro nên nhiều người dân thu hoạch sớm so với chu kỳ.   
 
Việc khai thác rừng chưa đủ tuổi dẫn đến hiệu quả kinh tế đạt thấp
Việc khai thác rừng chưa đủ tuổi dẫn đến hiệu quả kinh tế đạt thấp
 
Đến năm 2021, toàn tỉnh chỉ có hơn 2.987 ha diện tích rừng trồng được cấp chứng quản lý rừng bền vững FSC. Diện tích này là quá nhỏ so với diện tích rừng của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt từ 10-20 nghìn ha rừng trồng sản xuất, chiếm 17% tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh.
Cùng với, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được vùng nguyên liệu gỗ lớn, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững FSC chỉ đạt khoảng 2,5% tổng diện tích rừng trồng (chủ yếu của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ) dẫn đến ngành chế biến, tiêu thụ lâm sản chưa đa dạng, chưa tạo động lực để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ; sản phẩm rừng trồng chủ yếu phục vụ cho thị trường dăm gỗ. 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Đại, diện tích rừng khoảng 4 -5 năm khai thác chủ yếu bán cho doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm là chính. Tỷ lệ chế biến ván, gỗ ghép thanh, chế biến sâu rất thấp. Đồng thời, chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với chủ rừng và liên kết vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng. Việc mua bán chủ yếu theo giá thị trường nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh trong thu mua. 

LIÊN KẾT THEO CHUỔI - HƯỚNG ĐI TẤT YẾU

Trồng rừng gỗ lớn, xây dựng cơ chế liên kết sản xuất theo chuỗi, từ trồng rừng, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm là xu hướng phát triển rừng trồng hiện nay. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi những giải pháp có tính “dài hơi”, cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự tham gia của các doanh nghiệp, quan trọng là sự thay đổi tư duy của người dân. 
 
Tại các cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức liên quan đến vấn đến này, các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến dăm cho rằng, tỉnh cần phải có giải pháp tạo được liên kết giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp thông qua mô hình hợp tác xã và sự kết nối với chính quyền địa phương để hình thành các vùng nguyên liệu canh tác theo quy trình chuẩn, có chứng chỉ FSC; đầu tư vườn ươm quy mô lớn để có cây giống hiệu quả, trồng đúng tiêu chuẩn; chuyển đổi chu kỳ canh tác từ 4-5 năm lên trên 7-8 năm;…  nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ có giá trị cao hơn, vừa tăng thu nhập cho người trồng rừng vừa tạo nguồn cung cấp nguyên liệu chế biến đầu vào ổn định, chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại địa phương.
 
hầu hết diện tích rừng sản xuất khai thác chủ yếu bán non cho các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ
Hầu hết diện tích rừng sản xuất khai thác chủ yếu 'bán non' cho các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng đã giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển liên kết trong rừng trên địa bàn tỉnh, giữa người trồng rừng, doanh nghiệp, ngân hàng… theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững đạt chứng chỉ FSC; trong đó, việc xây dựng Đề án phải bám sát tình hình thực tế của các địa phương, có tính khả thi, huy động được sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân, với mục tiêu đến năm 2025, giảm 30% sản xuất dăm gỗ.
 
“UBND các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm tạo sự liên kết, hợp tác giữa các chủ rừng để tạo ra vùng nguyên liệu lớn; chủ trì xây dựng mối liên kết giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dăm, gỗ, hướng đến xây dựng chuỗi liên kết trong việc trồng và chế biến gỗ. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết và chia sẻ để cùng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu. 
H.P

.