Đồng lòng gìn giữ "lá chắn xanh" ven biển

10:08, 20/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần nửa thế kỷ qua, người dân thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đã cùng nhau trồng và bảo vệ rừng dương ven biển, từ đó hình thành “lá chắn xanh” chắn gió, chắn sóng, giảm thiểu tình trạng nước biển xâm thực gây sạt lở, xói mòn.
Nhìn hàng chục nghìn cây dương liễu to bằng vòng tay ôm của người lớn, vững chãi che chắn cho những nóc nhà nằm dọc theo bãi biển thôn Tân Thạnh, chẳng ai có thể hình dung ra rằng, cách đây 50 năm về trước, nơi đây chỉ là một bãi biển chẳng có lấy một bóng cây xanh. 
 
Rừng dương gần 50 năm tuổi do người dân  thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) trồng và gìn giữ suốt nhiều năm qua.
Rừng dương gần 50 năm tuổi do người dân thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) trồng và gìn giữ suốt nhiều năm qua.
“Gần 50 năm trước, khu vực đường bờ biển Tân Thạnh được mệnh danh là vùng biển lở. Vì không có cây chắn sóng, nên nước biển ngày ấy xâm thực vào tận đường liên xóm. Không đành lòng nhìn đất lở dần lở mòn, nên từ những năm 1978 - 1980, mọi người bắt đầu rủ nhau mua từng cây dương, xin từng cây tra, cây dứa về trồng dọc ven biển để ngăn sạt lở”, bà Nguyễn Thị Hồng (74 tuổi) ở xóm 1, thôn Tân Thạnh bồi hồi kể.
 
Nhà ít thì trồng mươi cây, nhà nhiều thì trăm cây. Cứ thế, mỗi gia đình ở Tân Thạnh đều tự giác trồng lấy một khoảnh rừng để giữ đất, giữ nhà. “Nhà nhà cùng đồng loạt trồng cây, nhưng để cây dương liễu bén rễ được trên vùng đất cát đâu phải chuyện dễ dàng. Nước ngọt vào mùa nắng khan hiếm lắm, vậy mà cha tôi ngày đó vẫn chịu khó mót từng gàu nước giếng để ra biển tưới cho cây. Ông chăm chút, duy trì tưới nước suốt 3 năm, rồi sau đó, cây mới tự sống được”, ông Lê Dõng nhớ lại.
 
Nhờ sự chịu thương, chịu khó và đồng lòng của người dân, mà rừng dương với diện tích khoảng 5ha dần hình thành, trải dài 2km đường bờ biển Tân Thạnh. Theo người dân địa phương, gần 20 năm nay, tình trạng nước biển xâm thực, lấn sâu vào đất liền tại Tân Thạnh đã không còn diễn ra. Từ khi có rừng, người dân Tân Thạnh an tâm hơn vào mỗi mùa mưa bão khi có “tấm chắn xanh” chống nạn xói lở, xâm thực từ phía biển. Còn vào mùa nắng nóng, rừng dương này trở thành “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu.
 
Nhìn thấy hiệu quả của việc trồng rừng ven biển, nhiều người trẻ ở Tân Thạnh bên cạnh việc giữ gìn từng cây dương có tuổi đời 40 - 45 năm tuổi mà cha ông để lại, còn tiếp tục mở rộng thêm diện tích rừng. Như ngư dân Phạm Hải, dù thường xuyên đi biển xa nhà, nhưng 3 năm nay, vào những ngày không đi biển, anh vẫn dành thời gian trồng và chăm sóc gần 200 cây dương liễu sát mé biển. “Nguyện vọng của tôi là trồng thêm được một lớp dương liễu bao bọc, tiếp nối với lớp dương liễu 40 - 50 năm tuổi mà thế hệ ông cha ngày trước đã trồng để gia cố, tăng thêm lớp rừng bảo vệ đất đai”, anh Hải chia sẻ.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.