Nhiều khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất hè thu ở một số địa phương

10:07, 02/07/2018
.

Ông Hà Thế Vinh.
Ông Hà Thế Vinh.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã bước vào mùa khô, tình hình thiếu nước ở các hồ đập đã xảy ra, ảnh hưởng  đến sản xuất vụ hè thu. Để có thêm thông tin về vấn đề này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh.

PV: Xin ông cho biết về lượng nước tích trữ ở các hồ đập hiện nay và công tác phòng chống hạn cho vụ hè thu?

Ông HÀ THẾ VINH: Lượng nước tích trữ ở các hồ đập hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Trong 19 hồ chứa nước do công ty quản lý, có 11 hồ dung tích thấp dưới 50% (Hóc Dọc, huyện Bình Sơn; Đá Bàn, Hóc Sầm, Mạch Điểu, huyện Mộ Đức; Liệt Sơn, An Thọ, Sở Hầu, Diên Trường, Cây Sanh, Huân Phong, huyện Đức Phổ; hồ Nước Trong, huyện Sơn Hà).

Về công tác phòng chống hạn vụ hè thu 2018, công ty đã xây dựng phương án phòng chống hạn ngay từ đầu năm 2018, từ đó làm cơ sở thực hiện cho cả năm, nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Bên cạnh đó, công ty xây dựng quy chế phối hợp với Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh, Công ty CP điện Nước Trong điều tiết nước về hạ du cho công trình thủy lợi Thạch Nham theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc.

Đối với những vùng thường xuyên xảy ra hạn, căn cứ vào tình hình diễn biến của nguồn nước, công ty sẽ thông báo cho các địa phương xem xét, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp ngay từ đầu vụ.

PV: Theo ông, liệu có xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ hè thu;  nếu có thì Công ty đã có công tác chuẩn bị như thế nào?

Ông HÀ THẾ VINH: Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi dự báo, tình hình nắng nóng ở miền Trung sẽ gay gắt và kéo dài, nên khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất hè thu có thể xảy ra ở các vùng tưới thuộc các hồ chứa nêu trên và một số vùng cuối kênh Thạch Nham.

Để chủ động trong công tác phòng chống hạn, công ty đã thực hiện một số giải pháp như: Ngay từ đầu vụ hè thu, công ty đã tính toán lượng nước thực tế của các hồ chứa, xác định diện tích không đảm bảo nước tưới để khuyến cáo các địa phương chuyển sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước, hoặc không canh tác để giảm thiểu thiệt hại do hạn. Đồng thời, tổ chức tưới luân phiên đối với các hồ chứa ngay từ đầu vụ, nhằm tiết kiệm nước.

Đối với hệ thống Thạch Nham thực hiện tưới luân phiên trên kênh cấp 1 khi cao trình thấp hơn 19,5m. Bên cạnh đó, công ty tổ chức kiểm tra, quan trắc và nạo vét kênh mương, đảm bảo cung cấp nước tưới đúng lịch thời vụ. Các đơn vị trực thuộc công ty tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng, hợp lý cho CBCNV trong công tác quản lý, điều tiết nước tưới. Tổ chức quan trắc, kiểm tra rò rỉ, sự thấm lậu của các công trình kênh mương trên toàn hệ thống do công ty quản lý. Các công trình chưa có thiết bị cơ khí, hoặc thiết bị cơ khí bị hư hỏng chưa khắc phục được thì tìm mọi biện pháp đóng kín không để nước trong kênh chảy tự do hoặc rò rỉ ra ngoài gây lãng phí. Đối với hệ thống kênh chìm có đập điều tiết dâng nước tập trung tích nước thừa nhằm phục vụ chống hạn cuối vụ hè thu.

 

Hệ thống kênh mương Thạch Nham luôn được duy tu, đảm bảo cung cấp nước cho vụ sản xuất hè thu. Trong ảnh:  Kênh N6 đoạn qua TP.Quảng Ngãi.
Hệ thống kênh mương Thạch Nham luôn được duy tu, đảm bảo cung cấp nước cho vụ sản xuất hè thu. Trong ảnh: Kênh N6 đoạn qua TP.Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, công ty chỉ đạo các Trạm quản lý thuỷ nông phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra các nguồn nước khác ngoài hệ thống trong khu tưới, tìm giải pháp khai thác tốt nhất lượng nước ngầm phục vụ chống hạn bằng mọi hình thức, như làm các công trình tạm, đào ao, đóng giếng, nạo vét khai thông mương dẫn (nếu có hạn xảy ra); đôn đốc, nhắc nhở các địa phương nạo vét kênh nội đồng, kênh do địa phương quản lý thông thoáng. Thường xuyên kiểm tra khu tưới để có kế hoạch dùng nước hợp lý trong từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng và thông tin kịp thời về nguồn nước và quá trình điều tiết, phân phối nước, tránh xảy ra các điểm nóng tranh chấp nước, hạn cục bộ. Thông báo cho các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng nước tưới hết sức tiết kiệm tránh lãng phí nước. Các tổ chức hợp tác dùng nước phải có đội thủy nông dẫn nước đến mặt ruộng, tránh để nhân dân tự ý đóng, mở cống lấy nước; đóng kín cửa cống lấy nước, ngăn mặn và có biện pháp chống rò rỉ ở các phay đập, các công trình để trữ nước phục vụ chống hạn và hạn chế xâm nhập nước mặn.

PV: Vậy với người dân và chính quyền các địa phương cần phải thực hiện những biện pháp gì?

Ông HÀ THẾ VINH: Các địa phương cần chủ động phối hợp cùng công ty triển khai thực hiện công tác phòng chống hạn ngay từ đầu vụ hè thu, xem công tác chống hạn là của toàn xã hội, cần phải quan tâm hàng đầu để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra. Thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình, kênh mương theo phân cấp, để đảm bảo cấp nước tưới, gieo sạ đúng lịch thời vụ... đối với các tổ chức dùng nước. Đồng thời, các địa phương phải thành lập đội thủy nông để dẫn nước từ kênh vào ruộng, tránh để người dân tự ý đào, xẻ kênh mương, làm bờ cản lấy nước dẫn đến thiếu nước phía cuối kênh và phải tuân thủ lịch điều tiết nước tưới luân phiên của công ty.

PV: Xin cảm ơn ông!



THANH HẢI
(thực hiện)


 


.