Cần phát huy hiệu quả dòng vốn FDI vào Dung Quất

03:04, 05/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với lợi thế cảng biển nước sâu và hệ thống cơ sở hạ tầng KKT Dung Quất từng bước được đầu tư đồng bộ, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp FDI đã chọn nơi đây làm “bến đỗ”đầu tư làm ăn khá hiệu quả, điển hình như Doosan Vina, VSIP Quảng Ngãi, Foster...

TIN LIÊN QUAN


 “Môi giới” đầu tư

Trong số các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại KKT Dung Quất thì Doosan Vina được xem là nhà đầu tư làm ăn hiệu quả nhất. Kể từ khi vận hành (năm 2009) đến nay, Doosan Vina đã xuất sản phẩm với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ USD đến hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Riêng trong năm 2016, công ty đạt 200 triệu USD về kim ngạch xuất khẩu và mục tiêu xuất khẩu trong năm 2017 là 300 triệu USD.

 Doosan Vina là doanh nghiệp FDI đầu tư làm ăn hiệu quả tại KKT Dung Quất.
Doosan Vina là doanh nghiệp FDI đầu tư làm ăn hiệu quả tại KKT Dung Quất.


Bên cạnh tập trung phát triển sản xuất kinh doanh và đóng góp vào công tác an sinh xã hội của tỉnh, Doosan Vina còn là một trong những đơn vị rất tích cực trong việc “môi giới” thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi. Điển hình là trong năm 2016, nhân sự kiện Doosan Vina kỷ niệm 10 năm thành lập đã tổ chức mời đoàn doanh nghiệp Ulsan - Hàn Quốc (22 doanh nghiệp) đến khảo sát tại KKT Dung Quất và tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI này còn trực tiếp “tiếp thị” đầu tư vào Dung Quất, cũng như thường xuyên mời lãnh đạo tỉnh tham gia các chuyến công tác tại Hàn Quốc, để gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp Hàn Quốc và mời gọi đầu tư vào Quảng Ngãi.
 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 41 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.108,41 triệu USD (tại KKT Dung Quất có 30 dự án, vốn đăng ký gần 960 triệu USD). Trong đó, có 22 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 16 dự án đang triển khai hoạt động đầu tư và 3 dự án tạm dừng đầu tư. Trong 3 tháng đầu năm 2017, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt 13,5 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016, bằng 19% so với dự kiến cả năm (70 triệu USD). Lũy kế đến tháng 3.2017, vốn thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh ước đạt 672,5 triệu USD, đạt 60,7% so với tổng vốn đăng ký.

Không chỉ Doosan Vina, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi cũng là một trong những nhà đầu tư có nhiều nỗ lực trong việc thu hút vốn đầu tư FDI vào Quảng Ngãi, mà trực tiếp là vào Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP. Tính đến thời điểm này, tại Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 14 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 200 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần 3.400 lao động.

Phát huy lợi thế, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Theo số liệu của UBND tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2017, Quảng Ngãi không có dự án FDI nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Qua đó cho thấy, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh, cũng như KKT Dung Quất đang chững lại, mặc dù thời gian qua số nhà đầu tư FDI đến Quảng Ngãi khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư không phải ít.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, mặc dù Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư; cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng không phải thua kém. Nhưng để mời gọi được nhà đầu tư FDI thật sự đến “đổ vốn” vào tỉnh không phải là chuyện dễ, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là cơ chế chính sách (như Quyết định 36 của UBND tỉnh quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư vào tỉnh), tuy đã được ban hành, nhưng dường như chưa thật sự “đến” được với nhà đầu tư. Bởi chính sách này chưa được tuyên truyền rộng rãi và tiếp cận của nhà đầu tư cũng còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án cũng là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư FDI. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết các công việc có liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ...

Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.