Đóng tàu vỏ thép: Ngư dân và ngân hàng đều ngại

10:07, 20/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 67 về Chính sách phát triển thủy sản khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép  công suất lớn, vươn khơi xa. Song, vì kinh phí đầu tư lớn cũng như e ngại hiệu quả sử dụng mà nhiều ngư dân chưa mạnh dạn đóng tàu mới bằng loại vật liệu này.

TIN LIÊN QUAN

Vẫn chuộng tàu vỏ gỗ

Thay vì đóng tàu vỏ thép như dự tính, ngư dân Âu Xuân Tiên, xã Bình Hải (Bình Sơn) lại quyết định đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất trên 700CV. Sự thay đổi này, theo ông Tiên là do “sau khi cân nhắc về tổng mức đầu tư, kỹ thuật vận hành và sử dụng cũng như chi phí, điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa thì tôi thấy tàu vỏ gỗ phù hợp với mình hơn”.

 

Nghi ngại hiệu quả của tàu vỏ thép nên nhiều ngư dân đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ công suất lớn.
Nghi ngại hiệu quả của tàu vỏ thép nên nhiều ngư dân đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ công suất lớn.


Tàu vỏ thép tuy có thiết kế đẹp, hiện đại và được trang bị hệ thống bảo quản sản phẩm lạnh, chi phí bảo dưỡng thấp và tuổi thọ cao, song ông Tiên cho rằng, tàu vỏ gỗ cũng có nhiều ưu điểm. Đó là việc thiết kế và thực hiện đơn giản, kỹ thuật vận hành và sử dụng phù hợp với kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân và chi phí đầu tư chỉ bằng 60 - 65% so với tàu vỏ thép. “Quá trình đóng mới cũng như sửa chữa, "làm nước" tàu vỏ gỗ thuận lợi hơn. Ngư dân chúng tôi không phải lặn lội vào tận nơi sản xuất ở ngoài tỉnh như tàu vỏ thép”, ông Tiên bày tỏ.  

Ngư dân Nguyễn Trung, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng cho rằng: “Tàu vỏ thép đóng theo thiết kế mới, mà mình lại không rành nên lỡ có bị trục trặc kỹ thuật thì khó dùng lắm!”. Nỗi lo của ông Trung không phải không có cơ sở, nhất là khi ông Trung nhìn thấy con tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn) bị trục trặc hệ thống tời và hầm bảo quản lạnh sản phẩm, nên hiệu quả khai thác chưa như mong muốn.

Trước đó, chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn tỉnh, do ngư dân Mai Thành Văn ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) làm thuyền trưởng cũng hoạt động không hiệu quả, đành trả về cho Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Vì vậy, sau khi đắn đo suy tính, ông Trung đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất trên 800CV, kinh phí 10 tỷ đồng để hành nghề lưới rê.
 

Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 30 chiếc tàu (9 chiếc vỏ sắt và 21 chiếc vỏ gỗ) được các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng đầu tư đóng mới theo NĐ 67. Trong đó, có 7 chiếc tàu vỏ thép và 11 chiếc tàu vỏ gỗ đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.

Tháo gỡ những rào cản

Trong khi ngư dân nghi ngại tính hiệu quả của tàu vỏ thép, thì ông Ngô Văn Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, trong số 7 chiếc tàu vỏ thép hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, chỉ trừ chiếc tàu của ông Võ Văn Hân bị trục trặc, 6 chiếc còn lại đều phát huy hiệu quả rất tốt.

Riêng tàu vỏ thép của ngư dân Mai Thành Văn là thuê của Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, chứ không thuộc diện đóng mới theo NĐ 67. Nguyên nhân khiến con tàu này kém phát huy hiệu quả là do thiết kế không phù hợp với hoạt động khai thác đánh bắt. Tuy nhiên, “tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 được thiết kế phù hợp với điều kiện hoạt động khai thác thủy sản nên bà con ngư dân yên tâm”, ông Hưng khẳng định.

Không chỉ ngư dân, mà các ngân hàng thương mại cũng dè dặt khi quyết định “rót vốn” cho tàu vỏ thép. Có trường hợp ngư dân được cán bộ ngân hàng vận động chuyển từ đóng tàu vỏ thép sang vỏ gỗ. Đơn cử như ngư dân Âu Xuân Tiên và Nguyễn Trung. Theo giãi bày của hai ngư dân trên thì ban đầu, họ quyết tâm đóng mới tàu vỏ thép, vì sau khi phân tích cặn kẽ, loại vật liệu này vẫn có nhiều ưu điểm hơn.

Đặc biệt, nếu đóng tàu vỏ thép, ngư dân sẽ được ngân hàng cho vay đến 95% giá trị con tàu, nên giảm áp lực vốn đầu tư. Thế nhưng, khi cán bộ ngân hàng tiếp cận thì khuyến khích họ nên đóng mới tàu vỏ gỗ, vì nó phù hợp với tay nghề, kinh nghiệm khai thác lâu nay nên đỡ rủi ro. Nghe hợp lý, cả ông Tiên và ông Trung cùng thay đổi vật liệu đóng tàu!

Về phía ngân hàng, họ cho rằng vốn đầu tư cho tàu vỏ thép quá lớn, việc khai thác lại phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, trong khi ngư dân chưa nắm vững quy trình sử dụng nên rủi ro cao. Hơn nữa, nếu đóng tàu vỏ thép, ngân hàng sẽ đầu tư 95%, thay vì 70% như tàu vỏ gỗ. “Tỷ lệ đầu tư tàu vỏ gỗ thấp nên các ngân hàng không khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép để giảm rủi ro, nhanh thu hồi vốn”, ông Hưng cho hay.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.