Đời người bên tấm lưới

02:06, 27/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ là cần câu cơm, nghề đan vá lưới từ lâu đã được chị em ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) xem là cái nghiệp. Bởi khi những người đàn ông quanh năm bám biển, thì trên bờ những người vợ, người chị luôn là hậu phương, vừa chăm sóc, vun vén gia đình, cần mẫn đan, vá lưới để những chuyến ra khơi trở về tôm cá đầy khoang.

TIN LIÊN QUAN

Đến Tịnh Kỳ, dù đó là ở cảng cá hay trong những xóm nhỏ, ngõ nhỏ, chúng ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tổ, nhóm phụ nữ đang cần mẫn căng dây, khâu, móc, đan lưới... Từ những tấm lưới rách, qua bàn tay khéo léo của các chị, tấm lưới lại lành lặn, phục vụ đắc lực cho cánh đàn ông đánh bắt hải sản ngoài biển khơi.

Gắn bó với công việc gần 45 năm, bà Trần Thị Năm, ở thôn An Kỳ, cho biết: “Con gái mới lớn lên ở làng chài này đa số đều được các bà, các mẹ dạy cách đan, vá lưới. Tôi đan chiếc lưới đầu tiên năm 15 tuổi, giờ đã ngót nghét 60 tuổi rồi... Hồi xưa thì đan lưới cho cha ra khơi, giờ thì cho chồng, cho con, rồi cho cả các tàu ở địa phương”.

 

 Hình ảnh các bà, các chị đang cần mẫn đan, vá lưới đã trở nên thân thuộc ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).
Hình ảnh các bà, các chị đang cần mẫn đan, vá lưới đã trở nên thân thuộc ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).


Ngày xưa, công việc đan vá lưới chỉ phát triển theo hộ gia đình, mỗi hộ sẽ tự làm lưới để đánh bắt, ra khơi, nhưng hơn 10 năm trở lại đây, khi hoạt động khai thác hải sản ngày càng lớn mạnh, nhiều tàu công suất lớn vươn khơi đã kéo theo nhu cầu về nhân công vá lưới ngày càng tăng. Thế nên, những người phụ nữ làng chài có thêm nhiều công việc để làm, cùng nhau thành lập những tổ, nhóm dịch vụ đan, vá lưới để cùng có việc làm thường xuyên và rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm.
 

Theo thống kê của Hội Phụ nữ xã Tịnh Kỳ, hiện nay số lượng hội viên phụ nữ tham gia làm nghề đan, vá lưới là gần 300/ 1.000 người, thuộc 10 tổ dịch vụ. Việc thành lập, duy trì tổ dịch vụ đan, vá lưới đã mở ra thêm nhiều cơ hội về việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho phụ nữ địa phương và đáp ứng nhu cầu đánh bắt thủy sản của ngư dân.

Tham gia tổ vá lưới từ ngày mới thành lập, chị Nguyễn Thị Phương (52 tuổi) ở thôn An Kỳ xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Chồng mất trong một phiên biển vào năm 2001, khi ấy chị Phương đang mang thai đứa con thứ hai, hơn 15 năm qua, một mình chị gồng gánh nuôi các con khôn lớn.

“Nếu không có cái nghề đan, vá lưới này, tôi không biết làm sao để nuôi các con và có được những người chị, người bạn, người em yêu thương mình như ruột thịt như bây giờ”, chị Phương trải lòng.

Đối với các chị em vùng biển, công việc đan, vá lưới không chỉ là cần câu cơm mà còn là điểm tựa để họ chia sẻ những nỗi niềm, động viên nhau cùng cố gắng phấn đấu, là hậu phương vững chắc cho chồng, con vươn khơi làm ăn.

Đa số chị em tham gia đan, vá lưới đều có chồng đi biển, những phiên biển có thể kéo dài cả vài tháng... Mọi công việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ con cái đều do bàn tay các chị quán xuyến. Và trong khi chờ những đồng tiền của chồng mang về sau những ngày đi biển thì họ lại vẫn có thể nuôi sống gia đình bằng cái nghề đan, vá lưới này.

Chị Trần Thị Thu Hà (49 tuổi), ở thôn An Kỳ chia sẻ: Công việc đan, vá lưới làm quanh năm, trung bình mỗi ngày tôi làm 8 tiếng, với thu nhập từ 120-150 nghìn đồng/ngày. Thu nhập tuy không cao nhưng cũng đủ để lo cho gia đình và có thời gian để chăm sóc, gần gũi con cái. Hơn nữa, đây là nghề truyền thống nên phải giữ gìn.

Vừa thoăn thoắt đôi tay, vừa trò chuyện những vui buồn trong cuộc sống, cứ tưởng rằng công việc này đơn giản, chẳng khó khăn gì, thế nhưng để lưới không rối, các động tác nhịp nhàng, nhanh gọn là cả một quá trình luyện tập và làm nghề.


Bài, ảnh: HIỀN THU



 


.