Ngư dân Bình Đông trở lại nghề lưới vây

02:09, 23/09/2012
.

(QNg)- Ba, bốn năm về trước, nghề lưới vây ở xã Bình Đông (Bình Sơn) hoạt động ít hiệu quả, tàu thuyền ra khơi bị thua lỗ do hải sản các loại gần bờ cạn kiệt; ngư dân trong xã lại thiếu nguồn vốn đầu tư để nâng công suất cải hoán hoặc đóng mới tàu thuyền vươn khơi xa.

Chính vì vậy, nhiều ngư dân đã "bỏ nghề theo thợ" đi làm công trình ở các công ty trong Khu Kinh tế Dung Quất hoặc đi giã cào cho các tàu cá ở các tỉnh phía Nam. Thế nhưng gần 1 năm nay ngư dân địa phương đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền, khôi phục lại nghề lưới vây, nghề truyền thống từ bao đời nay ở Bình Đông.

 

Tàu lưới vây được ngư dân Bình Đông cải hoán nâng công suất vươn ra khơi đánh bắt hải sản.
Tàu lưới vây được ngư dân Bình Đông cải hoán nâng công suất vươn ra khơi đánh bắt hải sản.


Anh Nguyễn Thanh Thọ (36 tuổi) ở vức 2, thôn Sơn Trà trước đây là thuyền trưởng tàu QNg 5390 công suất 74 CV. Hoạt động đánh bắt hải sản không hiệu quả cho nên anh em bạn chài bỏ tàu, bỏ biển xin đi làm những công việc khác trên cạn. Nhiều tháng liền tàu phải nằm bờ vì thiếu lao động. Anh Thọ cũng không thể ra khơi một mình nên quyết định bán tàu, rồi xin đi làm công nhân. Gần 2 năm trời đi làm phụ hồ, phun sơn, lương mỗi tháng gần 4 triệu đồng, nhưng không  đủ trang trải cho cả gia đình 4 miệng ăn. Thêm vào đó nỗi nhớ biển luôn ray rứt; hình ảnh điều khiển con tàu cưỡi sóng ra khơi cứ thôi thúc anh trở về với biển. Đầu năm 2012, anh Thọ cùng với 5 anh em trong họ tộc đầu tư vốn mua chiếc tàu công suất 120 CV (trị giá 450 triệu đồng) để hoạt động nghề lưới vây trở lại. Sau hơn 8 tháng hoạt động ở ngư trường các tỉnh Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Bình Thuận, Khánh Hoà, tàu của anh có thu nhập hơn 500 triệu đồng. Sau khi trừ tổn phí, số tiền còn lại chi trả được 2/3 nguồn vốn của con tàu đóng mới.

Tương tự anh Thọ, ngư dân Nguyễn Xuân Hòa (cũng ở thôn Sơn Trà) bày tỏ:  Trước đây tôi là chủ chiếc tàu QNg 5130 công suất 45 CV nhưng bị cơn bão số 9/2009 cuốn trôi lên Mỏ Rú, thôn Tân Hy. Bị va đập hư hỏng nặng lại tấp vào chân núi cách dòng nước biển hơn 100 mét nên không có cách nào "hạ thuỷ" xuống lại đựơc, nên tôi buộc phải chia tay vĩnh viễn con tàu đã gắn bó và nuôi sống cả gia đình gần 15 năm qua. Không được vay vốn ưu đãi, ông Hoà đành vay nóng sắm một chiếc ghe nhỏ hành nghề lưới ghẹ, thả rập. Nghề này chỉ khai thác gần bờ khoảng 10 đến 15 hải lý cho nên không làm ông thoả chí vùng vẫy ngoài khơi xa. Chính vì vậy cuối năm 2011 ông  rủ thêm 6 bạn chài khác cùng tham gia hùn vốn mua chiếc tàu trị giá 400 triệu đồng để hành nghề lưới vây. Sau khi mua về tàu được cải hoán tu sửa lại đến đầu năm 2012 mới đưa vào hoạt động.

Ông Hoà cho biết thêm: Nghề lưới vây ở Bình Đông có từ lâu đời, lúc trước cha ông cũng theo nghề này. Nghề lưới vây chủ yếu đánh bắt những  loại cá lớn như cá ngừ, cá ẩu, cá thu, cá sòng. Những loại cá này thường nổi lên mặt nước theo từng đàn, nhất là khi thời tiết bắt đầu thay đổi từ trời động chuyển sang tĩnh lặng hoặc ngược lại. Khi thấy cá nổi mới đánh lưới, vây thành vòng tròn rồi rút lại cho nên người ta gọi là lưới vây rút chì. 8  tháng năm nay, tàu ông bám biển đã khai thác được khoảng 20 tấn cá các loại, thu về gần 600 triệu đồng.

Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: Gần 1 năm nay nghề lưới vây ở địa phương bắt đầu phát triển mạnh trở lại. Ngư dân đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để sắm mới 6 tàu thuyền và cải hoán nâng công suất máy đối với 15 tàu thuyền khác. Ở xã đang có 141 tàu thuyền hoạt động đánh bắt hải sản với tổng công suất gần 7.100 CV, trong đó có 30% tàu hành nghề lưới vây. 16 tàu công suất từ 90 CV trở lên tham gia đánh bắt ở các ngư trường xa. Năm nay biển được mùa hơn các năm trước nên từ đầu năm đến nay nhiều tàu có thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng.

Ngư dân xã Bình Đông đang tiếp tục sắm mới ngư lưới cụ, đầu tư nâng công suất tàu thuyền vươn ra khơi khôi phục lại nghề lưới vây. Đồng thời tham gia bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.


Nguyên Hương
 


.