Phát triển chăn nuôi nông hộ: Chính quyền chưa tích cực vào cuộc

02:04, 06/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 36 về một số chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 – 2020 (QĐ 36). Song, dù đã có mặt hai năm nhưng đến giờ quyết định này vẫn “bất động”, trong khi nông dân lại sốt sắng...

TIN LIÊN QUAN

Người dân  khó tiếp cận...

Tự thân gầy dựng trang trại heo lên đến 1.000 con với một nông dân như ông Nguyễn Hoài ở thôn Nam Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) quả là một kỳ tích. Song, dù hoạt động sản xuất đã đi vào ổn định, nhưng với số heo chừng ấy, ông Hoài vẫn phải đối mặt với bộn bề khó khăn, nhất là việc xoay vòng nguồn vốn. Vậy nên, khi biết tin UBND tỉnh ban hành QĐ 36, ông Hoài rất mừng. “Với nông dân, một đồng cũng quý, huống chi tôi nghe chính sách này hỗ trợ kinh phí để mua tinh phối giống heo nái hoặc xây dựng công trình xử lý chất thải”, ông Hoài hồ hởi. Bởi, với quy mô nuôi thường xuyên 200 con nái sinh sản và 800 heo thịt, ông Hoài thừa điều kiện để được hỗ trợ 100% kinh phí mua tinh phối giống, 50% kinh phí xây dựng công trình khí sinh học hoặc đệm lót sinh học, để xử lý chất thải theo QĐ 36.

Quyết định số 36 của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhưng nhiều nông dân chưa được tiếp cận.
Quyết định số 36 của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhưng nhiều nông dân chưa được tiếp cận.


Còn bà Huỳnh Thị Ba, thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cũng rất phấn khởi khi nghe thông tin về QĐ 36. Thực tế, dù quy mô chăn nuôi nhỏ nhưng với đàn heo 5 con nái sinh sản, 25 heo con và heo thịt, bà Ba sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng công trình khí sinh học hoặc đệm lót sinh học để xử lý chất thải theo QĐ 36. Thực tế, do hạn hẹp về kinh phí nên hiện giờ, gia đình bà Ba vẫn chưa xây dựng được công trình xử lý chất thải.  "Nếu được QĐ 36 hỗ trợ một phần chi phí thì tôi sẽ xây hầm biôgas. Chứ chất thải bao quanh chuồng nuôi cũng dễ phát sinh dịch bệnh lắm", bà Ba cho hay.
 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT vào giữa tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng yêu cầu Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các chính sách của Nhà nước và của tỉnh đến được với đối tượng thụ hưởng, chủ yếu là nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời tạo mọi điều kiện để người dân, doanh nghiệp thuận lợi hoàn chỉnh các thủ tục khi tiếp cận với chính sách khuyến khích, hỗ trợ, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

...vì chính quyền  chưa vào cuộc

Tuy phấn khởi, nhưng cả ông Hoài lẫn bà Ba đều chưa tiếp cận được nội dung và tinh thần QĐ 36. Và thực tế, không riêng QĐ 36 mà rất nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt không đến được nông dân – đối tượng thụ hưởng chính. Nguyên nhân, theo ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT là do “chính quyền đủng đỉnh trong việc triển khai, phổ biến và hướng dẫn thực hiện”. Theo đó, dù QĐ 36 đã có hiệu lực hơn một năm nhưng hiện giờ, chỉ trừ huyện Lý Sơn và Đức Phổ thì các địa phương còn lại đều chưa gửi kế hoạch thực hiện cho Sở NN&PTNT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Lý giải điều này, chính quyền các địa phương lại cho rằng, QĐ 36 chậm đi vào thực tế là do... nông dân không mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi nên không hội đủ điều kiện để được thụ hưởng! Ví dụ như huyện Bình Sơn, dù địa phương này đã tổ chức hội nghị triển khai chính sách, nhưng người dân không có nhu cầu nên cũng không đăng ký với chính quyền cơ sở. Hơn nữa, “dù UBND tỉnh ban hành chính sách, nhưng không hướng dẫn thực hiện cụ thể nên địa phương chưa xây dựng được kế hoạch chi tiết”, ông Phan Diệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của người dân là rất lớn. Như trường hợp của ông Nguyễn Hoài. Để có được quy mô chăn nuôi như hiện nay, ông Hoài đã trải qua rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm con giống, đầu ra cũng như nguồn vốn đầu tư. Và, với 200 con heo nái sinh sản thì mỗi năm, số tiền mua tinh phối giống cũng không dưới 50 triệu đồng. Khoản chi phí này lẽ ra ông Hoài sẽ được ngân sách hỗ trợ 100% theo QĐ 36, nhưng vì “không biết có QĐ 36” nên chủ hộ đành phải chi trả.
                  

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.