Lợi "kép" từ chăn nuôi hữu cơ

02:02, 16/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được xác định là bị tác động mạnh nhất sau khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực nên ngành chăn nuôi đang nỗ lực thay đổi để phù hợp với yêu cầu hội nhập. Và chăn nuôi hữu cơ là hướng đi mới, hứa hẹn nhiều triển vọng...

TIN LIÊN QUAN

Nông dân là người chăn nuôi...

Tổng đàn gia súc gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 5 triệu con. Riêng đàn bò dẫn đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên, với 276 nghìn con (bò lai chiếm 58%). Những con số trên cho thấy, người chăn nuôi Quảng Ngãi không hề thua kém nông dân các tỉnh trong việc phát triển đàn GSGC. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dù số lượng GSGC lớn, nhưng lợi nhuận thu được từ đối tượng này lại rất thấp. “Cũng do mình chăn nuôi nhỏ, lại tốn tiền mua cám tổng hợp nên lời ít lắm”, bà Huỳnh Thị Hừng, thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết.

Nhận rõ khiếm khuyết này, thời gian qua, không ít người chăn nuôi trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư “làm ăn lớn”. Điển hình như ông Tạ Công Phi Vũ, thôn Điền An, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa). Từ người phụ giúp bố mẹ nuôi heo, anh Vũ trở thành đối tác của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, vì không muốn cứ mãi làm gia công cho người khác nên anh Vũ cùng người bạn hợp tác thực hiện dự án chăn nuôi heo hữu cơ với kinh phí đầu tư lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Chăn nuôi hữu cơ hứa hẹn giúp ngành chăn nuôi đột phá vì giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.  Ảnh: TL
Chăn nuôi hữu cơ hứa hẹn giúp ngành chăn nuôi đột phá vì giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: TL


Nhận định về dự án này, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh nói gọn: “Đây là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay”. Bởi, theo ông Thanh, hướng “khép kín từ đầu vào đến đầu ra” chẳng những giúp người chăn nuôi kiểm soát được chất lượng con giống, không phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường mà còn thuận lợi trong việc tiêu thụ. “Các doanh nghiệp ưu tiên hợp tác với đối tác có nguồn cung dồi dào, ổn định và đảm bảo chất lượng, chứ họ không thể đến từng hộ chăn nuôi để gom hàng được”, ông Thanh nhìn nhận.

… vừa kiêm nhà sản xuất

Người chăn nuôi hiện nay dường như đang lạm dụng cám tổng hợp. Điều này, vô hình chung họ vừa tự mình nâng cao chi phí sản xuất, vừa lãng phí các sản phẩm nông nghiệp sẵn có. Khắc phục điểm yếu này, anh Vũ áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ theo hướng tự chế biến thức ăn từ nguyên liệu do chính mình sản xuất như gạo, bắp, mè, đậu… Bởi, với 300 con nái sinh sản thì trang trại của anh số lượng heo giống, heo thịt hàng năm sẽ rất lớn, lượng thức ăn tiêu thụ vì thế cũng sẽ không hề nhỏ. Do đó, “việc tự chế biến thức ăn từ chế phẩm nông nghiệp vừa giúp mình giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, vừa góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản địa phương”, anh Vũ chia sẻ.

Hướng đi này của anh Vũ đã nhận được sự ủng hộ của nông dân xã Nghĩa Điền và các địa phương lân cận. Bởi, “nhiều khi muốn bán bắp, đậu, chúng tôi phải mang ra chợ hoặc đợi thương lái. Nhưng lúc vui thì họ đến, không là mình lại phải năn nỉ, chờ đợi. Mệt mỏi lắm!”, ông Trần Đình Thường, thôn Điền An, xã Nghĩa Điền chia sẻ. Hơn nữa, tình trạng người chăn nuôi sử dụng cám tổng hợp cộng cùng chất cấm tràn lan, thiếu kiểm soát không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín ngành chăn nuôi mà hành động này vô tình nông dân đang “tạo điều kiện” cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi làm giàu. “Vì vậy, nếu quy trình kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ được phổ biến, chuyển giao cho nông dân, thì ngành chăn nuôi tỉnh nhà hứa hẹn sẽ có bước đột phá”, ông Trần Thiên Thanh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2015; triển khai nhiệm vụ năm 2016 và 5 năm 2016 – 2020 vào đầu tháng 1.2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chăn nuôi là ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Do đó, để nâng cao hiệu quả của ngành này, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương phải thực thi có hiệu quả các cơ chế chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất; đặc biệt là các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và có quy mô lớn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân bảo vệ thị trường thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hàng rào kỹ thuật phù hợp”.

 


MỸ HOA




 


.