Ly nông, nhưng không ly hương

09:03, 10/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, tỉnh ta thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, làm ăn tại các KCN tỉnh, KKT Dung Quất và Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các địa phương, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, giảm dần tình trạng lao động “vào phương Nam” tìm việc.

TIN LIÊN QUAN


Làm công nhân ở quê

Học xong cấp 3, không có nghề nghiệp gì, chị Nguyễn Thị Cúc (25 tuổi), thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn), tính theo các bạn vào TP. HCM làm lao động phổ thông, nhưng thấy nhiều bạn đi làm ăn xa mà chẳng dư giả gì nên chị quyết định ở lại quê xin làm công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Quảng Ngãi. Chị Cúc tâm sự: “Khi xin vào công ty, tôi cũng như nhiều công nhân khác chưa có tay nghề, nhưng được công ty đào tạo nghề, đến nay tôi đã quen việc, thu nhập bình quân hằng tháng cũng được 5 triệu đồng”. Theo chị Cúc, làm việc tại các công ty ở quê, chị được gần cha mẹ, lại đỡ lo chuyện tàu xe mỗi độ Tết đến, xuân về như nhiều lao động khác, trong khi các chế độ theo quy định cũng được công ty thực hiện đầy đủ.

Công nhân Công ty Thuyên Nguyên trong ca sản xuất.
Công nhân Công ty Thuyên Nguyên trong ca sản xuất.


Còn chị Vương Thị Thảo, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) vừa nộp hồ sơ và được Công ty Cổ phần May Đông Thành tuyển vào làm công nhân, cho biết: “Trước đây, hầu hết thanh niên trong xã đều vào Nam tìm việc làm, tôi cũng đi theo và xin làm nghề may trong TP. HCM. Làm trong đó thu nhập có cao hơn, nhưng trừ tiền ăn, tiền thuê phòng... tính ra chẳng dư giả gì nên tôi về đây xin làm việc”. Theo chị Thảo, chị ở lại quê xin việc xuất phát từ việc Quảng Ngãi ngày càng có nhiều nhà máy, xí nghiệp xây dựng ở KCN Tịnh Phong, Quảng Phú, KKT Dung Quất... “Làm việc gần nhà tuy thu nhập không cao bằng trong Nam, nhưng chi tiêu ít hơn, công ty hỗ trợ tiền đi lại, tiền nhà trọ, nhất là có thời gian chăm sóc gia đình nên dễ tích lũy hơn”, chị Thảo cho biết thêm.
 

Hiện ở các KCN của tỉnh có 70/95 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 14.400 lao động; KKT Dung Quất có 85/131 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động. Riêng KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP tạo công ăn, việc làm cho 2.500 lao động…

Doanh nghiệp cũng hướng về vùng quê

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, hiện lực lượng lao động ở khu vực nông thôn của tỉnh chiếm khoảng 80% tổng số lao động. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nên tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ngày càng gia tăng. Để giảm áp lực này, đồng thời để thay đổi cơ cấu nền kinh tế, tỉnh đã tập trung xây dựng các KCN, Cụm công nghiệp, đưa các nhà máy, xí nghiệp về các vùng nông thôn.
 
Ngoài ra, các cụm công nghiệp, làng nghề ở các địa phương cũng giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong đó, ngành may mặc được xem là thế mạnh khi mà các nhà máy có công suất lớn, cần số lượng lớn lao động đã đầu tư xây dựng ở các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ... thu hút lao động nông thôn vào làm. Hiện nay, mức lương của công nhân ngành may dao động từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Đặc thù của ngành may mặc không kén chọn công nhân, không đòi hỏi nhiều về trình độ tay nghề. Đa số các DN đều tuyển lực lượng lao động phổ thông vào học việc có hỗ trợ lương ban đầu, sau thời gian học việc sẽ trở thành thợ có tay nghề.

Ông Nguyễn Hải - Giám đốc Công ty TNHH May Vinatex Tư Nghĩa, cho biết: Khi đặt nhà máy tại Tư Nghĩa, việc tuyển lao động của công ty dễ dàng hơn, ít cạnh tranh với các ngành nghề khác. Tuy lao động này chưa có tay nghề, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao, nhưng khi nhận vào, công ty sẽ tổ chức đào tạo. Điều đó không chỉ giúp cho công nhân có tay nghề cao, thu nhập ngày càng tăng mà giúp cho DN sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Với phương châm trên, ngay đầu năm 2016, công ty đã tuyển mới gần 80 công nhân, trong đó có 60% công nhân có tay nghề vững, trong số này nhiều công nhân ở TP.Hồ Chí Minh về quê sau Tết đã đến công ty xin việc”, ông Hải cho biết thêm.


Bài, ảnh: BÁ SƠN


 


.