Khởi sắc công nghiệp vùng nông thôn

10:05, 04/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nhất là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đưa kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Sức bật từ các cụm công nghiệp

Trước đây hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn đều có quy mô nhỏ, thu hút ít lao động. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh ở một số địa phương trong tỉnh, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Với mục tiêu trở thành huyện khá của tỉnh vào năm 2020, những năm qua, huyện Mộ Đức đã tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực CN-TTCN. Đặc biệt là đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) và các hình thức kinh tế tập thể hiệu quả kinh tế cao. Các CCN của huyện đã từng bước hoàn thành đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, tại hai CCN Quán Lát (17,5ha) và Thạch Trụ (10,3ha) với tổng kinh phí đầu tư trên 17 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện các CCN này đã thu hút 15 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động tại địa phương. Giá trị sản xuất hằng năm chiếm 2/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên toàn huyện.
 

Sản xuất ngói màu không nung tại CCN Quán Lát thay thế cho ngói thủ công.
Sản xuất ngói màu không nung tại CCN Quán Lát thay thế cho ngói thủ công.


Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Mộ Đức sẽ tiến hành khảo sát và đưa vào quy hoạch CCN Tây thị trấn với quy mô 25ha. Đồng thời huyện mở rộng CCN Quán Lát lên 30ha, CCN Thạch Trụ lên 25ha và mỗi xã quy hoạch một điểm TTCN, làng nghề gắn với thương mại, dịch vụ từ 2-5ha.

Ngoài ra, trong CN-TTCN, các cơ sở đã ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, sử dụng các dây chuyền tự động, bán tự động thay cho thủ công như máy cán tôn, lò sấy gỗ, ứng dụng công nghệ lò gạch tuynel, sản  xuất ván ghép thanh, ngói không nung…

Đặc biệt là quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu cho Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận phát huy  hiệu quả, bước đầu đã giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân cũng như xã viên trong hợp tác xã.

Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng trên địa bàn huyện Mộ Đức giai đoạn 2010-2014 tăng bình quân gần 23%; thương mại và dịch vụ tăng bình quân gần 25%...

Hiện đại hóa làng nghề

Để công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, trong thời gian qua, tỉnh ta cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư. Trong đó, công tác khuyến công đã triển khai hỗ trợ đào tạo nghề, trình diễn mô hình sản xuất mới luôn được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, chương trình xúc tiến thương mại cũng được quan tâm, tạo điều  kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia học hỏi kinh nghiệm và tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển CN-TTCN ở nông thôn.

Về phía người dân làng nghề, để tồn tại và cạnh tranh trên thị trường trước xu thế chung của thời đại khoa học-công nghệ,  nhiều chủ cơ sở sản xuất đã đầu tư máy móc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cách đây hơn 5 năm, làng nghề mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi tưởng chừng như không thể trụ vững trước sự cạnh tranh của thị trường. Sản phẩm của họ làm ra đều bằng thủ công nên chất lượng cũng như năng suất đều không cao. Do đó sản phẩm chỉ có thể bán nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ biết đầu tư máy móc nên nhiều người dân làng nghề đã có thể sống khỏe với nghề.

Ông Nguyễn Tấn Sinh-người tiên phong đưa máy móc vào làng nghề mây tre đan cho biết: “Tôi phải bỏ ra mấy cây vàng mới tìm được cái máy chẻ tre. Từ ngày có cái máy, năng suất tăng lên gấp 10 lần. Trước đây, muốn chẻ 20 cây tre phải thuê 5 người chẻ từ 8-10 tiếng đồng hồ với chi phí 200 nghìn đồng/người. Còn từ ngày có máy chẻ, chỉ cần một tiếng đồng hồ là có thể chẻ 160 – 200 cây mà chi phí chỉ tốn có 10 nghìn đồng”.  Ngoài chiếc máy chẻ tre, ông Sinh còn đầu tư mua thêm máy chẻ nan. Tuy nhiên, với công suất như hiện nay thì vào những tháng cao điểm, ông Sinh vẫn không chẻ đủ nguyên liệu để làm. Do đó để chủ động, sắp tới ông sẽ đầu tư khoảng 70 triệu đồng để mua thêm hai chiếc máy chẻ nan.


HỒNG HOA
 


.