Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở huyện miền núi Ba Tơ

10:04, 12/04/2010
.

(QNg) - So với các huyện đồng bằng thì việc phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ở miền núi không mấy thuận lợi. Tuy nhiên đối với huyện Ba Tơ, phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp không theo "phong trào" mà đây được xác định là một trong những chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.

Với lợi thế có tuyến Quốc lộ 24 nối liền giữa tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên đi qua địa bàn, huyện Ba Tơ trở thành cửa ngõ giao thương phía tây của tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó Ba Tơ hiện có các làng nghề truyền thống như: Mây tre đan, chổi đót; đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Hrê. Đây có thể xem là lợi thế để Ba Tơ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. 

Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu sẽ là thế mạnh trong phát triển CN- TTCN ở Ba Tơ .
Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu sẽ là thế mạnh trong phát triển CN- TTCN ở Ba Tơ .
Trong những năm gần đây, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở Ba Tơ không ngừng phát triển. Nếu như năm 2008 giá trị công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp thực hiện hơn 38 tỷ đồng, thì năm 2009 Ba Tơ thực hiện  44,5 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2010 giá trị công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp thực hiện 52 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn huyện có hơn 650 cơ sở sản xuất, sản phẩm chủ yếu như may mặc, dệt thổ cẩm, gò hàn, rèn, điện thương phẩm, mây các loại, cưa xẻ gỗ gia công, mộc dân dụng và các loại vật liệu xây dựng  như đá, cát, sạn, sỏi... 

Để tạo điều kiện phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, huyện Ba Tơ đã lập dự án xây dựng 3 nhà máy thủy điện. Đó là thuỷ điện ĐăkRe (có công suất thiết kế trên 50 MW); thuỷ điện Sông Liêng (có công suất thiết kế 45 MW) và thuỷ điện Kompbaê (công suất thiết kế trên 12 MW).  Hai dự án thủy điện ĐăkRe và Sông Liêng có đã báo cáo tiền khả thi và được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt, hiện nay tiếp tục đưa vào Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2020. Riêng đối với Thuỷ điện Kompbaê đã phê duyệt xong Đề án và đang thông qua các tổ chức Ngân hàng để vay vốn, triển khai xây dựng. Hiện nay huyện Ba Tơ có tờ trình UBND tỉnh xin chủ trương Quy hoạch Khu Công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 trên địa bàn huyện (tại địa điểm km 21 đến km 22 trên tuyến Quốc lộ 24, với tổng diện tích là 165 ha). Trong đó Khu xây dựng các nhà máy 115 ha, khu dân sinh 50 ha. 

Năm 2006 UBND tỉnh đã phê duyệt qui họach chi tiết Cụm Công nghiệp thị trấn Ba Tơ với tổng diện tích là 1,8 ha; tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. Hiện nay huyện Ba Tơ đã thành lập Ban quản lý các Cụm Công nghiệp và đang  xây dựng cơ sở hạ tầng và đã có 1 doanh nghiệp đăng ký vào Cụm Công nghiệp khi cơ sở hạ tầng được hình thành. Ba Tơ là một trong những địa phương có rừng nguyên  liệu nhiều nhất tỉnh. Chính vì vậy việc xây dựng Nhà máy chế biến dăm gỗ là điều cần thiết. UBND huyện đã qui họach địa điểm xây dựng tại km 21+ 400 dọc tuyến Quốc lộ 24, với diện tích 5 ha để xây dựng Nhà máy sản xuất ván MDF - Vinafor Ba Tơ với tổng mức đầu tư 288 tỷ đồng. Đề án này đã được tỉnh phê duyệt và đang thông qua Ngân hàng phát triển để vay vốn ưu đãi triển khai xây dựng.

Có thể nói trong những năm qua, huyện Ba Tơ đã có những nỗ lực trong phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ còn chậm, thiếu đồng bộ và vững chắc. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp phát triển với qui mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trong khi đó đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp còn gặp khó khăn vì thiếu vốn. Ông Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy Ba Tơ cho biết: Trong những năm đến cùng với mục tiêu chung của huyện là phát triển nền kinh tế bền vững theo cơ cấu " Lâm - Nông - Công nghiệp - Thương mại và dịch vụ". Để làm được điều này, huyện sẽ tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn - miền núi, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư đồng bộ nền đường, mặt đường  được nhựa hóa, cứng hóa và đầy đủ các công trình thoát nước trên cùng một địa bàn tránh hư hỏng và sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt cả 4 mùa; tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ, xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư, phát huy lợi thế của một số mặt hàng TTCN truyền thống, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các thành phần kinh tế để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Tỉnh cần có chính sách đầu tư phát triển CN - TTCN trên địa bàn huyện, có chính sách hỗ trợ các vùng nguyên liệu (giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm gắn với chế biến; tạo việc làm cho người lao động tại chỗ; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có điều kiện hoạt động). Có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào khảo sát và xây dựng các Nhà máy Thuỷ điện; thăm dò khai khoáng hoặc chế biến, sơ chế sản phẩm thu được từ khai khoáng trên địa bàn huyện; Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới điện quốc gia cho những thôn chưa có điện, có chính sách hỗ trợ đầu tư mạng lưới điện cho các hộ còn nghèo. Hy vọng trong thời gian đến, Ba Tơ sẽ  phát huy các tiềm năng sẵn có để làm cho miền đất này càng giàu đẹp hơn, xứng tầm với nơi khởi nguồn của Đội du kích Ba Tơ.

Anh Vinh

.