Làng "tản cư" ngày ấy

01:02, 19/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng Cầu, xã Nghĩa Dõng, thành phố  Quảng Ngãi (nay là đội 1, thôn 4, xã Nghĩa Dõng) từng được mệnh danh là vùng đất “khó ăn, khó ở”. Người trong làng lần lượt rủ nhau di cư sang Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà, Nghĩa Thương... sinh sống. Nhưng  giờ  nhờ biết cách làm ăn, cơ giới hóa trong nông nghiệp, mà nơi đây trở thành mảnh đất “vàng” khi chỉ với hơn 50 hộ gia đình, mà đã có 30 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

TIN LIÊN QUAN

Đổi mới tư duy sản xuất

Đường về Làng Cầu gập ghềnh, khúc khuỷu cùng nhiều chiếc cầu “bủa vây” tứ hướng. Có lẽ vì thế, mà cái tên Làng Cầu được dùng để đặt thành tên của làng.

Cụ Lê Lài (80 tuổi), một trong những bậc cao niên của Làng Cầu trầm ngâm: “Ngày xưa, làng này là vùng đất hoang vu. Có người không may bị bệnh dịch di tản đến nơi này ở để tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Ấy vậy mà trải qua bao nhiêu thăng trầm, giờ làng đã có mấy mươi hộ quây quần”.

Những nông dân trẻ của Làng Cầu mạnh dạn đầu tư vài trăm triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất.
Những nông dân trẻ của Làng Cầu mạnh dạn đầu tư vài trăm triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất.


Trong hơn 50 hộ dân Làng Cầu bây giờ, số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã lên đến con số 30. Ở Làng Cầu, “nhà nhà thi đua, người người thi đua phát triển kinh tế”. Hễ không làm nông thì thôi, chứ đã làm, thì nhà nào cũng có trong tay cả mẫu ruộng.

Nông dân Nguyễn Huệ lý giải: “Mấy năm trước, có nhiều hộ chê ruộng, Nam tiến lập nghiệp. Nhờ vậy mà chúng tôi mới có thêm ruộng cấy cày”. Canh tác 1,5 mẫu ruộng nên ông Huệ tự sắm sửa cho mình hai chiếc máy cày. Có máy móc, việc gieo sạ cả mẫu ruộng đối với ông không còn là chuyện khó. Dư thời gian, ông đi cày ruộng thuê cho mọi người với giá 100 nghìn đồng/sào. Còn nông dân Lương Dễ, một trong những lão nông có tiếng của Làng Cầu, ngoài đàn bò vỗ béo 7 con, ông còn nhận 1 mẫu ruộng để làm, dù tuổi của ông năm nay đã ngoài 60.

Nông dân Lê Văn Cẩn, Nguyễn Việt mới tậu máy gặt đập liên hợp năm trước. Năm nay lại tiếp tục hùn vốn để mua tiếp chiếc thứ hai. Làng Cầu bây giờ có đến 4 chiếc máy gặt đập liên hợp thay phiên nhau vào mùa thu hoạch mà vẫn không đủ để phục vụ bà con.

 “Có máy móc, chỉ mấy phút là xong cả sào ruộng nên tiết kiệm được thời gian và tiền công thuê người. Bởi vậy, bà con rất tín nhiệm. Tới mùa gặt, bà con lại chen nhau đăng ký. Bởi vậy nên chúng tôi sẽ tiếp tục tăng thêm số lượng máy để kịp thời phục vụ”, anh Lê Văn Cẩn, chủ máy gặt cho biết.

Gặt đập mỗi sào chỉ tiêu tốn khoảng 1 lít dầu. Trong khi tiền công lên đến 220 nghìn đồng/sào nên vụ mùa năm nào, hai nông dân trẻ Lê Văn Cẩn, Nguyễn Việt cũng bội thu. Vừa phục vụ bà con, hai anh vừa tự lo cho mình, khi diện tích canh tác của mỗi người đều lên đến cả mẫu.

Không còn cảnh ly hương

Làng Cầu bây giờ đã không còn biệt danh là “làng mồ côi”, khi cuộc sống dần khấm khá và không còn khó khăn, tách biệt như ngày nào. Ba năm nay, nơi đây trở thành địa chỉ của các hộ nông dân tham quan, học hỏi cách thức sản xuất. Mới đây, Hội Nông dân xã Bình Hòa (Bình Sơn) đã tổ chức cho nông dân đến Làng Cầu học hỏi cách nuôi bò vỗ béo, tìm hiểu việc cơ giới hóa, sử dụng máy gặt đập liên hợp. Người dân Làng Cầu không trồng cỏ, nuôi bò theo kiểu nhỏ lẻ tại gia đình, người dân trong làng  tự “quy hoạch” nguyên cả mẫu đất riêng cho các hộ nuôi cùng trồng cỏ.

Tìm được hướng làm ăn, kinh tế dần ổn định, người dân Làng Cầu nay đã thôi nghĩ đến chuyện ly hương. Bà Nguyễn Thị Châu - người từng rời Làng Cầu, xuôi về Nghĩa Thương sinh sống cho biết: “Ngày trước, ai là dân Làng Cầu mà đi hỏi vợ là khó khăn lắm! Bởi chẳng ai mong gả con về làm dâu đất này. Tôi là người vùng này mà cũng ly hương đi nơi khác làm ăn. Nhưng giờ về quê, vừa mừng, vừa tiếc, khi bà con giờ dù vẫn làm nông, nhưng làm nông theo kiểu mới, nên ai cũng khấm khá”.

Tự lực vươn lên phát triển kinh tế, người dân Làng Cầu tự góp tiền rải đá cấp phối gia cố các tuyến đường, tự kéo điện về xóm và hùn tiền thắp sáng đường quê. Tuy nhiên, người dân trong làng vẫn mong đến cháy lòng, được bê tông hóa đường sá, được sử dụng điện lưới quốc gia không chập chờn…Có như thế, thì việc phát triển sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp... của người dân Làng Cầu mới được thuận lợi.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.