Chợ Tết sớm ở vùng cao

01:01, 21/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, đi dọc các tuyến đường miền núi trong tỉnh chúng ta đều bắt gặp những điểm bán hàng phục vụ Tết, người mua bán nhộn nhịp. Những hình ảnh ấy dường như tạo nên một sắc xuân sớm ở các khu dân cư vùng cao.

TIN LIÊN QUAN

Sáng sớm, chợ thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đã nhộn nhịp. Không khí Tết đang tràn đến từng sạp hàng hóa trong chợ. Hầu như sạp hàng nào cũng ngồn ngộn hàng hóa, đa dạng chủng loại, màu sắc rực rỡ, bắt mắt, giá cả phù hợp với thu nhập của đồng bào vùng cao. Nhiều chị em người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã xung quanh thị trấn Di Lăng đã vượt quãng đường xa để đến với chợ trung tâm huyện mua hàng Tết…

 

Tiểu thương chợ Di Lăng (thị trấn Di Lăng, Sơn Hà) dự trữ nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ mua sắm Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tiểu thương chợ Di Lăng (thị trấn Di Lăng, Sơn Hà) dự trữ nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ mua sắm Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số.


Ngày cuối tuần, chị Đinh Thị Liêng ở xã Sơn Bao tranh thủ chở cô con gái 8 tuổi đi chợ thị trấn để mua quần áo Tết. Đứng trước các sạp quần áo đủ màu sắc, cô bé Đinh Xuân Hồng háo hức nhìn không chớp mắt. Chọn lựa một lát, chị Liêng đã mua được cho con gái bộ váy hồng xinh xắn, giá cả vừa phải. Chị Liêng cũng chọn cho mình một chiếc áo mới và chồng một đôi giày mới. Chị Liêng, chia sẻ: “Mấy bộ quần áo, giày dép này đẹp, vừa vặn, giá lại rẻ nữa. Tết này cả nhà mình đều có đồ đẹp mặc rồi”.

Đối với việc cung ứng thực phẩm ở miền núi, trước đây, bà con thường “đói” thực phẩm tươi sống nhưng bây giờ “chợ di động” đến tận nơi, rất thuận tiện cho mua sắm. Những ngày cuối năm này, ngoài các mặt hàng rau dưa, thịt cá tươi, những chiếc xe “chợ di động” còn chở thêm nhiều loại nhu yếu phẩm như mắm, muối, dầu ăn và cả bánh kẹo đủ loại để phục vụ nhu cầu của người dân tại những vùng xa xôi nhất của các huyện miền núi như Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng... Bà Đinh Thị Nha ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) phấn khởi cho biết: “Hai, ba năm nay, nhà mình không còn phải lặn lội xuống thị trấn Di Lăng hay lên trung tâm huyện để mua thực phẩm hay nhu yếu phẩm dùng ngày Tết nữa. Hằng ngày, “chợ di động” đến tận nhà, mình mua hoặc đổi được nhiều thứ lắm”.

Những năm trở lại đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên đáng kể, nhu cầu mua sắm cho ngày Tết cũng nhiều hơn, đồng bào dân tộc thiểu số mua sắm cho ngày Tết không chỉ là thực phẩm, rượu, thịt mà họ còn quan tâm đến trang phục và đồ dùng bày biện cho ngày Tết nữa. Mấy năm nay hàng hóa đa dạng nên cũng dễ chọn lựa. Trong giỏ hàng của chị Liêng mang về đầy ắp nào quần áo mới, vài bịch bánh kẹo, hạt dưa… còn có cả một chậu hoa mai nhựa bé xinh để chưng trong dịp Tết.

Với nhu cầu mua sắm trong dịp Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tăng lên, một số người kinh doanh thức thời đã không ngại sắm cả xe hàng để chở lên những điểm xa xôi với đầy đủ các loại hàng bày bán. Chị Ngô Thị Ý Mỹ - chủ một xe ô tô trọng tải nhỏ, quê Sơn Tịnh đã chở đầy một xe quần áo, đồ dùng thiết yếu, vật dụng trang trí cho mấy ngày xuân… đi bán lẻ tận các điểm dân cư vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Hà, Sơn Tây. Tại mỗi điểm bán, chị dựng rạp, bày bán như một cửa hàng mini được nhiều người dân quanh vùng tìm đến mua những món cần thiết. Chị Mỹ tâm sự: “Có xe tải đi đến tận nơi nên bán hàng rất chạy, người mua cũng không phải đi xa nên họ thích lắm. Năm nào trước Tết tôi cũng chở hàng phục vụ Tết lên đây bán”.

Còn ở những điểm bán hàng tập trung như chợ huyện hay chợ trung tâm xã, các xe hàng nườm nượp nối nhau “thả” hàng. Ông Lê Văn Nhị - một chủ hàng tạp hóa ở xã Sơn Thành cho biết: “Tháng này là cao điểm nhập hàng. Ngày nào cũng bận rộn để nhận hàng hóa. Nhiều nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm: Gạo, mắm, dầu… bánh kẹo, bia rượu phục vụ ba ngày Tết, cả những đồ trang trí nhà cửa, đồ gia dụng mới nữa. Sức mua cũng đã tăng lên nhiều nên phải nhập hàng về trữ bán dần không thì đến sát Tết lại khan hàng”.

Đời sống kinh tế từng bước được tăng lên nên yêu cầu về mẫu mã, chất lượng và giá cả hàng hóa cũng được đồng bào quan tâm hơn. Vì vậy, sự cạnh tranh trong cung ứng hàng hóa tại các điểm mua bán đã phần nào giảm bớt áp lực về giá cho người dân vùng cao. Sự phong phú chủng loại hàng hóa cũng giúp bà con thỏa mãn nhu cầu mua sắm.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án thực hiện Chương trình bình ổn giá, kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi-2015 trên địa bàn tỉnh. Ngân sách tỉnh tạm ứng hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết này là 21,5 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn giá chủ yếu là những nhóm hàng thiết yếu như gạo, muối, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, bánh kẹo và rau củ quả... Các đơn vị sẽ thực hiện bán hàng bình ổn giá tại 21 điểm trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Vũ Yến
 


.