Cơ chế, chính sách còn "vênh" (Kỳ 3)

01:11, 12/11/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3: Loay hoay với bài toán nhân lực và xã hội hóa


Mặc dù phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa đều là những chính sách được ưu tiên, chú trọng thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, các chính sách vẫn còn bộc lộ nhiều nghịch lý, vướng mắc…


Nghịch lý thu hút nguồn nhân lực

Từ năm 2013 đến nay, thực hiện đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã cử đi đào tạo 7 tiến sĩ và 395 thạc sĩ. Trong đó, số lượng thạc sĩ đào tạo tại nước ngoài chỉ dừng lại ở 16 người. Với những chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh về việc đào tạo sau đại học tại nước ngoài, thì con số trên vẫn còn khá thấp. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, sở dĩ số lượng cán bộ, công chức đào tạo tại nước ngoài còn thấp là bởi rào cản về trình độ ngoại ngữ. Không đáp ứng được tiêu chuẩn về ngoại ngữ, khiến việc tuyển nhân lực đi đào tạo tại nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Sở đã hợp tác với nhiều trường để tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ, nhưng phần lớn học viên đều bỏ cuộc giữa chừng.

Trường THPT Dân lập Hoàng Văn Thụ, một trong 8 dự án khuyến khích xã hội hóa mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường THPT Dân lập Hoàng Văn Thụ, một trong 8 dự án khuyến khích xã hội hóa mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Trong khi cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn học thạc sĩ ở nước ngoài vẫn còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, thì số lượng cán bộ, công chức đăng ký học thạc sĩ trong nước không ngừng tăng cao. So với kế hoạch đào tạo và thu hút 20 tiến sĩ, 300 thạc sĩ theo Nghị quyết 05 giai đoạn 2011-2015, đến nay, tỉnh đã thu hút và đào tạo 582 người, vượt gần gấp đôi kế hoạch đề ra. Trong đó, trình độ tiến sĩ, chuyên khoa cấp II là 52 người, đạt 260% kế hoạch, trình độ thạc sĩ, chuyên khoa cấp I là 530 người, đạt 176,7% kế hoạch. Việc thu hút và đào tạo được số lượng tiến sĩ, thạc sĩ như trên là một tín hiệu đáng mừng trong chính sách phát triển nhân lực của tỉnh, song theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, thì việc đào tạo cần chú trọng chất lượng, đảm bảo chọn lọc đúng ngành mà tỉnh, địa phương cần thì mới nâng cao được hiệu quả đầu ra. Tránh tình trạng chạy theo bằng cấp, học thạc sĩ theo kiểu “phổ cập”.

Thêm một nghịch lý nữa trong công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đó là trong khi số lượng sinh viên tỉnh nhà tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy nhưng không tìm được việc làm đã lên đến con số hơn 4.000, thì hàng năm, tỉnh đều phải mở thêm các lớp đào tạo đại học, bổ túc văn hóa cho cán bộ, công chức dự nguồn cấp xã. Trong năm 2013, tỉnh đào tạo chuyển tiếp cho 806 đại học, 230 hệ bổ túc văn hóa cho cán bộ, công chức dự nguồn cấp xã.
 

Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách


Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, các nhiệm vụ để cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gồm: Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh; trong giai đoạn 2014 - 2015 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước…
                                    H.T

Xã hội hóa vẫn còn rào cản

 Cùng với nguồn lực từ Nhà nước, các nguồn lực xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao nếu được khai thác tốt sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững tại địa phương. Thực tế tỉnh đã có chính sách khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa trên địa bàn ở những lĩnh vực nêu trên. Thế nhưng, việc quy hoạch sử dụng đất dành cho các lĩnh vực xã hội hóa đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Không chỉ thiếu điều kiện tiên quyết về quỹ đất sạch, mà chính sách khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện dự án xã hội hóa còn bộc lộ nhiều bất hợp lý. Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng, việc tỉnh quy định chỉ hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho cơ sở thực hiện xã hội hóa được giao đất, cho thuê đất nằm trong dự án, khu đô thị mới đã được xây dựng cơ sở hạ tầng với mức hỗ trợ 30% là chưa phù hợp. Bởi quy định này sẽ gây ra sự không công bằng trong việc hỗ trợ chi phí đầu tư khi nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa ở phần đất không nằm trong các dự án, khu đô thị mới.

“Mặc dù có cơ chế ưu đãi về cơ sở vật chất, nhưng từ năm 2008 đến nay chưa có dự án nào được hưởng sự ưu đãi này. Thêm vào đó, những ưu đãi về thuế, tín dụng dù có, nhưng vì quy mô công trình không đủ chuẩn so với quy định, nên các nhà đầu tư cũng chưa thể tiếp cận được với các chính sách này”, ông Võ Văn Rân, Phó Giám đốc Sở Tài chính nhận định.

Từ 2008 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 8 dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tám dự án trong vòng 6 năm, đây là con số quá thấp so với tiềm năng có thể huy động. Một số dự án có quy mô lớn như  Bệnh viện Đa khoa Quốc tế- Quảng Ngãi, Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Nghĩa Hành…mặc dù các nhà đầu tư đã bỏ ra rất nhiều công sức và chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư, nhưng cuối cùng không thể thực hiện được…
 

Bài, ảnh: Ý THU


 


.