Mong chính sách "sống" cùng ngư dân (kỳ 2)

10:11, 04/11/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2:Chính sách thoáng, quản lý chặt

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) không chỉ giúp ngư dân có cơ hội đóng mới, nâng cấp tàu; mà còn từng bước hoàn thiện hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề biển. Nhưng để tránh “vết xe đổ” của Quyết định 393 về cho vay hỗ trợ đánh bắt xa bờ (Chương trình 393), quá trình thực hiện Nghị định 67 cần những gì?.

 


Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 225 hồ sơ của ngư dân đăng ký tham gia thực hiện chính sách của Nghị định 67. Trong đó, đóng mới 122 chiếc (39 chiếc tàu vỏ thép, 13 chiếc vỏ composite và 70 chiếc vỏ gỗ), nâng cấp 47 chiếc, vay vốn lưu động 19 chiếc và bảo hiểm 37 chiếc. Sau khi tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, đã có 64 hồ sơ được xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt gồm: Đóng mới 57 chiếc (21 chiếc tàu vỏ thép, 4 chiếc vỏ composite, 32 chiếc vỏ gỗ) và nâng cấp 7 chiếc.  
 

“Tuyệt đối không vì chỉ tiêu mà xét chọn đối tượng tràn lan, ngành nghề không phù hợp”. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ (ảnh) tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67 vào sáng  24.10 vừa qua. Theo Phó Chủ tịch UNBD tỉnh, dù Nghị định 67 thông thoáng về cơ chế nhưng việc quản lý phải chặt chẽ ngay từ khâu xét duyệt cấp cơ sở; công tác xét chọn phải đúng đối tượng, ngành nghề ưu tiên. Do đó, các địa phương không nhất thiết phải “phân bao nhiêu, xét liền bấy nhiêu” mà phải cẩn trọng từng bước kiểm tra, thẩm định.

Giải tỏa nỗi lo cũ…

Tỷ lệ thu hồi vốn của Chương trình 393 thấp vì rủi ro cao do ngư dân làm ăn thua lỗ, gặp thiên tai; rồi quy trình quy định thiếu chặt chẽ, không có gì ràng buộc trách nhiệm trả nợ của khách hàng nên họ chây ì… Từ bài học trên, Nghị định 67 đã khắc phục bằng cách: Nhà nước chỉ thực hiện chính sách cấp tín dụng ưu đãi, nhưng theo nguyên tắc vay vốn thương mại có hoàn trả; còn các ngân hàng được chủ động trong việc lựa chọn khách hàng có năng lực (sản xuất, tài chính) để xem xét và quyết định cho vay theo điều kiện, quy định của ngân hàng nhà nước trên cơ sở xác nhận, phê duyệt danh sách vay vốn của chính quyền địa phương. Điều này, theo lãnh đạo các ngân hàng là tạo trách nhiệm cho ngư dân, cũng như tăng hiệu quả quản lý và thu hồi vốn.

Tuy nhiên, về phía ngư dân, điều họ băn khoăn lại là những “thiếu thốn” rất thực tế. Đó là đóng tàu vỏ sắt rồi mỗi khi sửa chữa, làm nước không lẽ phải kéo vào Nha Trang? Mẫu mã, thiết kế tàu thế nào? Cảng, cửa biển hiện giờ không đáp ứng nhu cầu neo đậu và ra vào khiến ngư dân phải đưa tàu đi “ăn nhờ, ở đậu” nơi khác. Rồi tàu to, cá nhiều nhưng ngoài đầu nậu, ngư dân không biết phải bán ở đâu, bán cho ai, giá cả thế nào?... Thế nên, dù hồ sơ đã được huyện thẩm định, chỉ đợi UBND tỉnh phê duyệt, nhưng ngư dân Nguyễn Ngọc Hùng, xã Phổ An (Đức Phổ) bảo “chưa dám mừng”. Lý do, với ý định vay vốn đóng tàu vỏ thép công suất 1.000 CV để hành nghề chụp, nhưng mỗi khi nhìn cảng biển Sa Huỳnh bị bồi lấp, ông lại lo.     

Còn ngư dân Phan Văn Thái, Phổ Thạnh (Đức Phổ) thì nói rằng, tình trạng “cửa biển bồi lấp, hậu cần thiếu, dịch vụ yếu, giá cả bấp bênh” đã tồn tại từ lâu, nhưng đến giờ, nó vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Điều này khiến không chỉ ông, mà rất nhiều ngư dân đắn đo trước khi quyết định tìm đến tàu lớn.  

Những lo lắng của ngư dân không phải không có cơ sở, khi hiện giờ toàn tỉnh chưa có cơ sở nào đảm nhận việc sửa, làm nước tàu vỏ sắt; còn đóng sửa tàu vỏ gỗ thì chỉ có 6/27 cơ sở đủ điều kiện tham gia.

…và đừng để ngư dân đợi lâu

Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cảng biển sẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt. Trong ảnh: Thi công Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2).
Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cảng biển sẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt. Trong ảnh: Thi công Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2).


Theo quy định, hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 của ngư dân do UBND xã xét chọn, UBND huyện thẩm định và UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Dù biết quy trình trên tuân thủ quy định của Nhà nước, đảm bảo tính chặt chẽ nhưng ngư dân vẫn than rằng “phiền hà và quá lâu”. Nguyên nhân theo ngư dân Nguyễn Quang, ngụ xã Bình Châu (Bình Sơn) là: “Chúng tôi ở biển nhiều hơn ở nhà nên ngại phải đi lên đi xuống bổ sung giấy tờ, thủ tục. Đã thế, nghề biển rất cần tiền mặt nhưng đã hai tháng rồi, tôi vẫn chưa biết mình có được vay vốn hay không để còn tính đường khác”.

Hẳn vì lý do trên mà mới đây, huyện Lý Sơn có ba ngư dân làm ăn rất hiệu quả là ông Dương Chí Hạnh, Dương Thành Hưởng và Lê Tuất Vì đã phải “gõ cửa” đầu nậu để có tiền hoàn thiện và chuẩn bị hạ thủy những con tàu công suất lớn. Từ sự việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương kiến nghị: “Với những ngư dân đã hoàn chỉnh hồ sơ, các ngành liên quan nên có hướng ưu tiên giải quyết giúp họ sớm tiếp cận được nguồn vốn”. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Quảng Ngãi cũng đề xuất các ngân hàng nên tham gia thẩm định hồ sơ trước khi UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt cuối cùng để vừa tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, vừa rút ngắn thời gian giải quyết. Đồng thời, ngư dân cũng được quyền lựa chọn đăng ký ngân hàng mà mình có ý định vay vốn.  

Mong rằng với quy trình thực hiện chặt chẽ cùng với sự hỗ trợ, cẩn trọng của các cấp, ngành thì một chính sách lớn và ý nghĩa như Nghị định 67 sẽ được “sống” để đồng hành cùng ngư dân; giúp họ vừa chắc tay lái tàu chinh phục biển, vừa vững tin “cắm” thêm ngày càng nhiều cột mốc chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.