Nghề câu mực đi về đâu? Kỳ 3: Chính sách nào hỗ trợ ngư dân?

08:10, 10/10/2012
.

(QNg)- Ngư dân câu mực đang gặp khó. Câu hỏi đặt ra lúc này là tỉnh ta nói chung và ngành thủy sản nói riêng có chính sách nào hỗ trợ ngư dân, giúp ngư dân an tâm bám biển…?
 

TIN LIÊN QUAN


Ngư dân cần một điểm tựa

So với những ngành nghề trên biển như lưới vây, giã cào hay bò gù thì nghề câu mực cần một đội ngũ thuyền viên lớn (trên 30 người), cùng với đầu tư tiền tổn phí cao do mỗi chuyến ra khơi kéo dài hơn hai tháng. Theo một số ngư dân, trước tình trạng mực rớt giá ồ ạt thì nhiều ngư dân bỏ nghề đi tìm việc làm khác hoặc tha phương vào các bến cá khác đi bạn.

Tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh đang rất cần sự trợ lực của Nhà nước để vươn khơi.
Tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh đang rất cần sự trợ lực của Nhà nước để vươn khơi.


Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm Hợp tác xã đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh cho biết, hiện nay nhiều chủ tàu câu mực rất muốn ra khơi dù chấp nhận có thể bù lỗ, nhưng vẫn không biết lấy đâu ra bạn chài đi cùng vì bạn chài nào cũng sợ bù lỗ cùng chủ tàu. "Mặc dù chúng tôi đã vận động anh em ngư dân cố gắng ra khơi nhưng thực sự khó lắm, do giá mực thì thấp trong khi các chi phí khác đều tăng nên ra khơi lúc này ngư dân rất ngại. Ngư dân câu mực cần một điểm tựa thật sự vững chắc mới an tâm bám biển dài ngày được" - ông Ngọt chia sẻ.

Ông Ngọt cho biết thêm: "Hiện ngư dân gặp khó nên một số người mới chuyển nghề. Để thay đổi công năng sử dụng, một con tàu ngư dân phải bỏ vào ít nhất trên 400 triệu đồng, đó là chưa kể ngư lưới cụ. Còn việc khôi phục lại đội tàu câu mực thì càng khó hơn nữa. Bên cạnh đó, hiện giờ với một tàu câu mực chuyển sang nghề biển khác thì có ít nhất 15 ngư dân "thất nghiệp" vì một tàu câu mực cần ít nhất 30 ngư dân trong khi các nghề khác chỉ cần từ 10 đến 12 là đủ" - ông Ngọt phân tích.
    
Ngành thủy sản nói gì?

Trước thực trạng ngư dân câu mực gặp khó, ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho rằng, vấn đề hiện nay là làm sao để tránh phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc về tiêu thụ mặt hàng mực thì cuộc sống ngư dân mới khấm khá hơn được.

Việc thị trường xuất khẩu nước ta nói chung quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhất là ở các sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp là một thiệt thòi cho người lao động. Bên cạnh đó, do nắm thế chủ động là người tiêu thụ chính nên thương lái Trung Quốc rất khôn khéo trong việc tạo giá, đầu vụ và cuối vụ thường nâng giá rất cao nhưng khi vào lúc cao điểm thì hạ giá mực xuống thấp.

Ở bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, cái quan trọng nhất trong sản xuất chính là đầu ra của sản phẩm. Nhất là các sản phẩm từ ngư nghiệp nếu không kịp thời xuất ra thị trường tiêu thụ mà để lâu bảo quản không tốt sẽ rất dễ hư hỏng. Người chịu thiệt là ngư dân, nhưng với con mực xà ngư dân gặp khó khăn hơn do thị trường tiêu thụ trong nước chẳng đáng là bao so với xuất khẩu.

Trong khi đó, tiềm năng tiêu thụ của thị trường trong nước cũng rất lớn. Nhưng do công nghệ chế biến ở nước ta còn thấp nên mới xuất thô ra nước ngoài rồi lại nhập hàng qua chế biến về trong nước tiêu thụ. “Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến đầu tư thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu để chế biến sản phẩm của người dân làm ra thành những sản phẩm đảm bảo chất lượng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Có vậy thì may ra mới tiêu thụ được hàng hóa của người dân ở giá sàn và nhất là không lệ thuộc vào thị trường nước ngoài", ông Hoàng nói.


Bài, ảnh: L.ĐỨC - X.THIÊN
 


.