Chính sách "ra khơi" cùng ngư dân

08:01, 02/01/2012
.

(QNg)- Năm 2011, nhiều chủ trương giúp ngư dân như Quỹ hỗ trợ ngư dân, Nghiệp đoàn nghề cá, Hợp tác xã nghề cá, Tổ đội ngư dân đoàn kết trên biển được triển khai. Bên cạnh đó, chương trình "Tấm lưới nghĩa tình",  "Chung tay vì sức khoẻ ngư dân" đã tạo niềm tin để ngư dân vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.  

TIN LIÊN QUAN


*Mùa biển êm

Ngư dân Nguyễn Văn Dương, vùng 1, thôn Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ), phấn khởi nói: "Chính sách của Nhà nước và các chương trình hỗ trợ làm cho ngư dân thấy ấm lòng hơn. Bà con ngư dân củng cố thêm niềm tin, để vững lòng ra khơi". Anh Dương cùng với hai người em có ba tàu đánh bắt hải sản. Mùa biển năm 2011, 2 tàu có công suất 39CV/chiếc đạt thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/chiếc, tàu có công suất 456CV đánh bắt ở tuyến khơi trừ chi phí thu về hơn 500 triệu đồng, cao hơn so với nhiều mùa biển trước.

Đóng mới tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi xa.
Đóng mới tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi xa.


 Anh Nguyễn Đức, thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) làm nghề lưới chuồn thường xuyên đánh bắt giữa các vùng biển chung giữa Việt Nam và các nước. Anh nói: "Năm rồi, mình và các thuyền viên trên tàu tham gia các lớp tập huấn do ngành thủy sản Quảng Ngãi tổ chức nên đã hiểu về tình hình ở biển Đông, về ranh giới đánh bắt mà hạn chế những rủi ro". Trong năm 2011, trừ chi phí tàu anh Đức đã thu trên 500 triệu đồng, tính ra, mỗi thuyền viên cũng kiếm được 50 triệu đồng.  

Ngồi xoay quanh bàn trà, các thuyền viên trên tàu anh Võ Lai và các chủ tàu khác cùng đi trong một tổ đội ở xã Nghĩa An trò chuyện về những phiên biển năm qua và cùng nhau bàn bạc về việc chuẩn bị cho mùa biển mới. Qua những câu chuyện, tất cả đều có chung suy nghĩ: Đoàn kết, ngư dân sẽ kết nối sức mạnh, vượt qua thiên tai, nhân tai ở biển khơi.


Ông Nguyễn Lành, thôn Tân Mỹ, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết: Tàu của ông hành nghề câu mực ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Năm qua, nhờ mùa biển êm và ông đã vào HTX nghề cá Bình Chánh, nên an tâm đánh bắt. Từ đầu năm đến nay tàu ông Lành thu về gần 5 tỷ đồng. Không chỉ ông Lành mà 86 tàu câu mực khơi ở xã Bình Chánh đã thu về gần 4.000 tấn hải sản; bình quân mỗi tàu thu được hơn 42 tấn,  trị giá gần 5 tỷ đồng.

*Tiếp tục đưa chủ trương vào cuộc sống

Các chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân đã và đang triển khai, bước đầu đã tác động tích cực đến ngư dân, giúp họ an tâm bám biển. Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản xã Bình Chánh cho biết, giờ thành lập HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ, có sự bảo trợ của Nhà nước, ông được làm chủ nhiệm. Hiểu cái khó của nghề biển, nên ông cùng 20 xã viên là chủ tàu cùng nhau bàn bạc để phát huy vai trò HTX giúp nhau an tâm bám biển. HTX sẽ làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm lại cho tàu khi hết hạn; đồng thời giúp ngư dân tham gia các buổi tập huấn, tiếp thu kỹ thuật đánh bắt hải sản, nâng cao tay nghề. HTX sẽ nỗ lực để tìm đầu mối thu mua hải sản cho ngư dân, hạn chế việc "đầu nậu" làm giá... Nhiều ngư dân thấy lợi từ HTX mang lại nên đã có ý xin vào để an tâm hành nghề trên biển.


Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, cho biết: Trước tình hình thiên tai gây nhiều thiệt hại cho người và tàu thuyền và đặc biệt là tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông “nóng” lên trong những năm gần đây, gây khó khăn cho ngư dân hoạt động sản xuất trên biển, nên Quảng Ngãi đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ ngư dân. Năm qua, tỉnh đã xây dựng tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa); hỗ trợ kinh phí, nhiên liệu, bảo hiểm cho người và tàu cá đối với ngư dân khai thác ở vùng biển xa. Tuy sự trợ giúp không nhiều, nhưng góp phần giải quyết khó khăn, động viên tinh thần để ngư dân bám biển sản xuất.
 

Năm 2012, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục kêu gọi tấm lòng của các “mạnh thường quân” đóng góp hỗ trợ ngư dân, nhân rộng các mô hình thành lập các tổ đội. Đến năm 2013, Quảng Ngãi sẽ thành lập 10 HTX nghề cá, 300 tổ đoàn kết sản xuất trên biển.

Cũng trong năm, Quảng Ngãi đã thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi; thành lập HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ ở xã Bình Chánh. Tỉnh đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ban đầu cho các HTX này hoạt động. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện vận động ngư dân hình thành các Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển...

Một điều đáng ghi nhận là đến đầu tháng 12/2011, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động trong và ngoài tỉnh đóng góp trên 4 tỷ đồng. Số tiền này sẵn sàng hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi để mua máy đóng tàu, khôi phục phương tiện sản xuất khi tàu bị chìm mất trên vùng biển xa.

Trong mùa biển năm qua, mặc dù các chính sách, chủ trương tuy mới được triển khai nhưng tạo cho ngư dân một  niềm tin để bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Nhiều ngư dân cho rằng, tình yêu thương của đồng bào cả nước, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hướng về mỗi con tàu là "đồng hành" cùng ngư dân bám biển khơi xa.


 Mai Hạ
 


.