Nặng tình với biển (Kỳ 1)

09:10, 09/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Biển như là máu, là thịt, để rồi hết lớp đến lớp ngư dân Quảng Ngãi cưỡi sóng vượt trùng khơi. Trên những con tàu giữa biển cả bao la, trên hết là tình yêu đối với biển, là quyết tâm gìn giữ ngư trường truyền thống của những ngư dân tuổi đời chỉ mới đôi mươi.
 

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Mang giấc mơ đi về phía biển  

Lênh đênh trên những chuyến tàu ngang dọc đại dương, ngư dân trẻ ở xứ Quảng mang theo giấc mơ làm giàu. Giữa trùng khơi, họ luôn can đảm, thính nhạy để tàu về tôm cá đầy khoang. 

Giấc mơ của cuộc đời

Mới bước sang tuổi 30, nhưng Trần Văn Quốc (xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi) đã ngang dọc khắp các vùng biển của Tổ quốc. Từ lúc còn là thuyền viên, đến khi làm chủ đôi tàu công suất lên đến hơn 400CV mỗi chiếc, Quốc vẫn ước mong một ngày được sở hữu cặp tàu cá ngang tầm với ngư dân các nước bạn. Nay ước mơ đã trở thành hiện thực khi đôi tàu có công suất hơn 1.000CV mỗi chiếc của anh chuẩn bị vươn khơi.

 

Ngư dân Trần Văn Quốc bên đôi tàu “khủng”.
Ngư dân Trần Văn Quốc bên đôi tàu “khủng”.


Chúng tôi điện thoại hẹn gặp mãi, Quốc mới gật đầu. Bởi Quốc bảo: “Có gì đâu mà kể. Muốn nâng cao hiệu quả đánh bắt phải đóng tàu lớn”. Chiều muộn, chúng tôi tìm về nơi 2 chiếc tàu “khủng” nằm sừng sững ven bờ biển. Quốc, với nước da ngăm đen đầy sương gió, tiếp chúng tôi cùng nụ cười chất chứa hy vọng. Vóc người rắn rỏi đặc trưng của dân miền biển, Quốc nhanh nhẹn mời chúng tôi lên tham quan đôi tàu “khủng” của anh. Trên buồng lái đang được hoàn thiện, những câu chuyện về giấc mơ đóng tàu “khủng” vươn khơi xa của Quốc lần lượt được lật giở. Quốc tâm sự: “Nó là giấc mơ của cả đời tôi. Chỉ ít ngày nữa thôi, đôi tàu này sẽ cùng tôi chinh chiến giữa biển khơi”.

Đôi mắt hướng về phía biển xa, Quốc kể: Trước kia, gia đình Quốc khai thác hải sản với đôi tàu khoảng 400 CV/chiếc. Gần 1 năm trước, Quốc bán đôi tàu này với giá khoảng 4 tỷ đồng. Cộng với số tiền dành dụm lâu nay, Quốc quyết định đóng đôi tàu “khủng” để tiếp tục nuôi mộng làm ăn lớn. “Đóng đôi tàu ước mơ này khoảng 10 tỷ đồng. Nếu thiếu vốn, mình sẽ vay ngân hàng và mượn bà con, miễn là giấc mơ của mình sớm thành hiện thực”, Quốc nói chắc nịch.

Hai con tàu của Quốc đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một đồng nghiệp hỏi: “Sao dám đem số tiền lớn như vậy lênh đênh trên biển?”. Không chút do dự, Quốc nói: “Mình còn trẻ mà. Lâu nay gầy dựng sự nghiệp từ đôi bàn tay trắng, thì có gì đâu phải lo sợ. Cả gia đình đều trông chờ vào nghiệp biển. Rồi gần 20 bạn tàu gắn bó với mình lâu nay, những mong cuộc sống khấm khá hơn. Có cơ hội, mình phải nắm bắt thôi”. Quốc quả quyết: “Trước đây chỉ được “cưỡi” đôi tàu 400CV dù làm ăn vẫn ngon lành, nhưng cứ lo sợ mỗi lúc trở trời, sóng to gió lớn. Tàu to tha hồ ra biển, không sợ gió, sợ bão, sợ tàu nước ngoài đe doạ”.

Giơ tay chỉ từng chi tiết trên con tàu, Quốc bảo tàu được đóng theo kinh nghiệm dân gian. Quốc phải đi khắp các vùng miền trong nước để tìm cho được những be gỗ ưng ý về làm tàu. Quốc đọc vanh vách các thông số của 2 con tàu này: “Chiều dài 25m, rộng 6,5m, cao 7,5m, sẽ được trang bị bộ đàm, máy định vị với nhiều phương tiện hiện đại như máy quét ngang, quét dọc. Khi hoàn thành tàu sẽ chịu được sóng cấp 7 - 8. Nghĩa là có thể đánh bắt được cả trong thời tiết biển động”.

Đầu năm nay, khi nghe Quốc chuẩn bị bỏ số tiền “khủng” để đóng tàu “khủng”, nhiều ngư dân quen biết với Quốc không khỏi ái ngại. Rồi đôi tàu lừng lững được hạ thủy, nhiều người ngạc nhiên xen lẫn lo lắng. “Người mừng cho tôi, người khen tôi cũng nhiều, nhưng cũng không ít người nói tôi là khùng. Tôi quyết tâm phải thực hiện cho được ước mơ của mình để chứng tỏ mình không… khùng chứ!”, Quốc bộc bạch.

Ra quân là thắng!
 

Ngư dân Nguyễn Anh.
Ngư dân Nguyễn Anh.

Ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), người dân hay kháo nhau: “Hễ theo tàu của Nguyễn Anh là bắt được vàng”. “Vàng” ở đây là cách nói vui của người dân về những chuyến biển cá đầy khoang. Không biết tự bao giờ, cái biệt danh “ông Anh thắng lớn” được người dân “gán” cho anh Nguyễn Anh (38 tuổi, ở thôn Phổ An). Chỉ biết rằng, cứ mỗi lần ra khơi là anh Anh lại mang về tiền tỷ.

Trò chuyện với ngư dân Nguyễn Anh trong một ngày biển yên ả, chúng tôi cứ quanh đi, quẩn lại cũng chỉ hỏi bí quyết khiến anh luôn có phiên biển trúng lớn. Nguyễn Anh nói: “Có bí quyết gì đâu. Dường như “số” mình được tổ đãi nhiều. Cảm giác của mình khi ra khơi lạ lắm. Linh tính luôn mách bảo cho tàu của mình hướng về những vùng biển giàu cá”. Nói vui vậy thôi, chứ để có được như ngày hôm nay, ngư dân Anh đã phải vật lộn với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Nhớ ngày còn những chiếc tàu nhỏ, làm ăn quanh quẩn trong bờ. Nhiều lúc sóng lớn, đánh chìm cả tàu, anh cùng bạn tàu thất thểu trở về nhà trong nỗi lo thiếu ăn của gia đình. “Kiên trì, niềm tin và nỗ lực là cách để tôi gầy dựng đội tàu của mình ngày càng lớn mạnh” - anh Anh chia sẻ.

Ngư dân Nguyễn Anh kể, ba anh là người đưa anh vào nghiệp biển. Trai tráng làng biển, lớn lên cứ theo cha anh giong buồm ra khơi. Mười sáu, mười bảy tuổi ngang dọc trên biển. Cứ thế, biển dạy người ta lớn lên. Biển trang bị cho từng lớp thanh niên giác quan để cảm được biển. Anh Anh cũng vậy. Biển cho anh nhiều thứ và cũng dạy anh rất nhiều kinh nghiệm. Để đánh bắt được những mẻ cá lớn, anh luôn tin vào linh cảm của mình. “Ba tôi từng dạy, giữa biển khơi trùng trùng lớp sóng, con hãy cứ tin vào bản thân mình. Vì thế, dù cho những chuyến biển ai cũng bảo thất bát chắc chắn, nhưng mình lại trúng lớn” - anh Anh thổ lộ.

Theo ngư dân Nguyễn Anh, mỗi năm anh cùng bạn tàu đánh bắt trên biển khoảng 8 tháng. Mỗi tháng đi chừng 20 ngày. Có chuyến ra khơi, anh mang về gần 2,5 tỷ đồng. Ba chiếc tàu của anh  tạo việc làm cho khoảng 25 ngư dân. Năm nay, ba chiếc tàu cá (có công suất từ 350-500 CV) làm nghề lưới vây rút chì thu được gần 7 tỷ đồng. Sau khi trừ các phí tổn còn lãi khoảng 5 tỷ đồng. Mỗi bạn tàu bình quân cũng nhận gần 100 triệu đồng mỗi người. Thế nên mới có chuyện, ở Nghĩa An bây giờ, được đi biển cùng anh Anh là niềm vui lớn của ngư dân.


Phương Lý-Ng.Triều


*Kỳ 2:  Máu thịt ở Hoàng Sa, Trường Sa



 


.