Đời thúng...!

10:09, 20/09/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Ở vùng bãi ngang ven biển, ngoài những ngư dân có điều kiện sắm ghe máy ra khơi, có không ít ngư dân không có điều kiện đ​ành chọn chiếc thúng chai đánh bắt gần bờ làm kế sinh nhai.  Dẫu thu nhập không cao, nhưng với họ, chiếc thúng chai được xem là chiếc “cần câu cơm” cho gia đình. 
 
 
Gần 11 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bãi biển thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức). Đây cũng là lúc ngư dân làm nghề thúng chai bắt đầu trở vào bờ nghỉ ngơi sau chuyến biển. Trên khuôn mặt mỗi ngư dân dẫu còn hằn sâu những nét mệt mỏi, vất vả, nhưng vẫn không giấu được niềm vui vì một chuyến đánh bắt hiệu quả.
 
Khắp vùng bãi ngang là tiếng trao đổi giữa những ngư dân với nhau, xen lẫn vào đó là giọng cười sảng khoái của những ngư dân trúng nhiều "lộc biển" như xua tan không khí nóng bức của buổi trưa. 
 
Mặc dù phương tiện thúng nhỏ, đi gần bờ nhưng sản phẩm đánh bắt được của ngư dân lại khá đa dạng và phong phú. Sau một buổi lênh đênh trên biển, những ngư dân về bờ với sản phẩm là những con cá, tôm, cua ghẹ, mực tươi ngon.
 
Nhiều ngư dân chọn thúng chai để mưu sinh
Nhiều ngư dân chọn thúng chai để mưu sinh
 
Khuôn mặt đen sạm, khệ nệ mang thùng xốp chứa đầy ắp cá, mực, ghẹ... vào bờ, lão ngư Trần Văn Ba (56 tuổi) cười tươi rói vì hôm nay thu được nhiều "chiến lợi phẩm". "Mấy ngày nay, bà con ngư dân chúng tôi được "lộc biển", cá, mực, ghẹ lại được giá, nên bình quân mỗi chuyến ra khơi, một ngư dân cũng thu về từ 200 nghìn- 300 nghìn đồng"- ông Ba cho hay.
 
Chúng tôi hỏi, ngày nào mình cũng được như thế à? Đáp lại lời chúng tôi, ông Ba chia sẻ: Mình chỉ đánh bắt gần bờ nên thu nhập cũng bấp bênh lắm. Mấy ngày này được kha khá, chứ mấy bữa trước, bữa năm bảy chục, một trăm nghìn, tuỳ thuộc bữa có, bữa không. 
 
Ngư dân Phạm Tiến Phương đứng gần đấy cho biết thêm: Hôm nào giăng lưới, câu được nhiều cá thì chúng trích lại một ít để ăn trong ngày, phần còn lại chúng tôi bán cho một số thương lái và các quán nhậu ở dọc ven biển. Dù thu nhập không đáng là bao so với các ghe có công suất lớn vươn ra khơi đánh bắt, nhưng như thế cũng đủ đắp đổi qua ngày.
 
Dẫu thu nhập không cao, nhưng với ngư dân, chiếc thúng chai được xem là chiếc “cần câu cơm” cho gia đình. Ngồi nhẩm tính số tiền thu được từ mấy ngày đi biển, ngư dân Phạm Tiến Phương cười vui chia sẻ: Tính ra cũng được hơn 1 triệu rồi, cũng tạm đủ đóng tiền học 2 đứa nhỏ vào đầu năm học này. 
 
 
Cá ở biển bãi ngang rất tươi ngon nên rất được nhiều người ưu thích và giá cả vì thế cũng cao hơn
Cá ở biển bãi ngang rất tươi ngon nên rất được nhiều người ưa thích và giá cả vì thế cũng cao hơn.
 
Ở vùng bãi ngang xã Đức Minh, Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Phong (Mộ Đức); Phổ An, Phổ Châu, Phổ Vinh, Phổ Quang (Đức Phổ)... ngoài những ngư dân có điều kiện sắm ghe máy ra khơi, có không ít ngư dân không có điều kiện chọn chiếc thúng chai đánh bắt gần bờ làm kế sinh nhai. 
 
Tuy là những chiếc thuyền thúng nhỏ, chỉ gắn với đôi tay chèo dẻo dai bằng chính sức mình, nhưng hầu như ngư dân quanh năm suốt tháng không ngày nào bỏ biển, trừ những ngày biển động. Bởi với họ, một ngày để thúng nằm bờ thì ngày đó, gia đình mất đi nguồn thu nhập và cuộc sống sẽ đối mặt với những khó khăn. 
 
Hàng ngày ngư dân phải dậy từ sáng sớm lặng lẽ khua dầm, chèo thúng ra biển trong bán kính chừng vài hải lý đánh cá, câu mực. Họ làm việc cho đến khi gần trưa mới quay trở vào bờ. 
 
Điểm lợi nhất của ngư dân làm nghề thúng chai chính là không tốn kém về các chi phí xăng dầu nên hầu như khi đánh bắt được bao nhiêu là ngư dân có lãi bấy nhiêu, ít phải trừ chi phí phụ thêm vào. Ngày nay, ngoài những chiếc thúng đan bằng nan tre, thì ngư dân còn sử dụng thúng làm bằng nhựa composite, chất lượng tốt, nhẹ, tiện bảo quản và đặc biệt là không sợ chìm.
 
Tuy nhiên, với ngư dân, đánh bắt bằng cách này là chẳng đặng đừng. “Không đủ điều kiện sắm sửa ghe máy có công suất để ra khơi mình mới làm thế này. Chứ làm nghề biển thì phải ra khơi xa chứ quẩn quanh gần bờ đủ sống là may phước"- lão ngư Huỳnh Văn Luôn ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) chia sẻ. 
 
Chiếc thúng chai mong manh giữa biển cả mênh mông
Chiếc thúng chai mong manh giữa biển cả mênh mông.
 
Nghề thúng chai ở vùng biển bãi ngang chủ yếu đi gần bờ nhưng nguy hiểm không kém nghề khơi khác. Nhìn những chiếc thúng mỏng manh giữa biển nước mênh mông, chỉ cần một chiếc thuyền lớn đi qua là chiếc thúng chao đảo dường như muốn lật úp.
 
Lão ngư Huỳnh Văn Luôn bộc bạch: Thúng nhỏ, một mình ngồi trên đó chòng chành đôi khi cũng rất nguy hiểm khi chẳng may gặp bất trắc, tai nạn có thể đến với mình. Song hầu hết ai cũng có kinh nghiệm nên ứng phó kịp thời với mọi trường hợp xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm gần đây để có điều kiện vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản nhiều ngư dân hùn tiền lại với nhau để sắm những chiếc ghe nan có gắn máy để ra khơi. Mỗi chuyến ra khơi, ghe  máy chở từ 2-3 thúng chai, tương đương với 2-3 ngư dân, khi ra đến nơi khai thác thì thả những chiếc thúng chai xuống để các ngư dân hành nghề, đến gần trưa thì đưa thúng trở lại lên ghe để vào bờ. Với ngư dân, cách ra khơi này vừa tiết kiệm được sức lao động và hiệu quả khai thác cũng cao hơn. 
 
Với những ngư dân nghèo vùng bãi ngang, chiếc thúng chai không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho dân chúng mà còn là người bạn đồng hành của ngư dân trong mỗi chuyến lênh đênh trên biển mưu sinh. Chiếc thúng mỏng manh nhưng đầy ắp cá, cua... sau một ngày ra khơi đã trở thành niềm vui và hy vọng của ngư dân nghèo vùng bãi ngang. 
 
 
PV
 
 

CÁC TIN KHÁC
.