Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: "Mục tiêu khẩn cấp"

02:08, 18/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại cuộc làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất và yêu cầu BSR đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án này.

TIN LIÊN QUAN

“Mục tiêu khẩn cấp”: 10 triệu tấn/năm

Sau hơn 5 năm đi vào vận hành ổn định, NMLD Dung Quất đã đạt những kết quả ấn tượng về sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, NMLD đã chế biến trên 31 triệu tấn dầu thô, sản xuất ra trên 30 triệu tấn sản phẩm. Tổng doanh thu đạt trên 580 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tổng cộng 93 ngàn tỷ đồng, đưa GDP bình quân đầu người của tỉnh chạm mốc 2.040 USD. Đỉnh cao là vào năm 2013, NMLD Dung Quất nộp ngân sách trên 28 nghìn tỷ đồng, đưa Quảng Ngãi vươn lên đứng vào hàng thứ 4 trong số các tỉnh có mức thu ngân sách cao nhất cả nước.

 

Sau khi bảo dưỡng tổng thể lần 2, NMLD Dung Quất sẽ tối ưu hóa sản xuất.
Sau khi bảo dưỡng tổng thể lần 2, NMLD Dung Quất sẽ tối ưu hóa sản xuất.


Năm 2014, ngoài việc thực hiện “mục tiêu kép” là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và thực hiện thành công công tác bảo dưỡng tổng thể NMLD lần 2 thì mối quan tâm hàng đầu của BSR là vấn đề nâng cấp, mở rộng nhà máy, tăng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm. Việc nâng cấp, mở rộng NMLD trong những năm tới đây là “mục tiêu khẩn cấp” nhằm đáp ứng đa dạng hóa sản phẩm đầu ra, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và quan trọng nhất là nhà máy mới sẽ sử dụng được những nguồn dầu phổ biến, giá thành thấp và dễ tìm hơn trên thế giới.

Hiện nay, nguồn dầu thô Bạch Hổ được khai thác cung cấp cho NMLD Dung Quất có xu hướng giảm dần về sản lượng. Dự báo đến năm 2017 sản lượng giảm xuống còn khoảng 50% công suất của nhà máy. Vì thế, nhà máy sẽ thiếu hụt dầu thô và buộc phải tính toán đến việc nhập khẩu các loại dầu khác có chất lượng tương đương. Ngoài ra, để chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng tốt theo lộ trình quy chuẩn, chất lượng mới đáp ứng Euro 2, phải xử lý chất lượng để đảm bảo an toàn môi trường.

Trước tình hình này, trong thời gian tới, hoạt động và kinh doanh của nhà máy dự báo sẽ ngày một khó hơn. Song với lợi thế về kỹ thuật, công nghệ, thời gian, nguồn vốn và đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân đã trưởng thành và lớn mạnh sẽ là tiền đề tốt giúp NMLD Dung Quất kịp thời đáp ứng yêu cầu mở rộng, phát triển, đón đầu công nghệ và gia tăng tính cạnh tranh của mình.
 

Gazprom Neft là một trong những Công ty dầu khí hàng đầu của Nga, thuộc Tập đoàn Gazprom. Tập đoàn này đang sở hữu trên 70 giấy phép khai thác dầu ở Nga với sản lượng trên 60 triệu tấn/năm và có 5 nhà máy lọc dầu với công suất 40 triệu tấn/năm.

Chạy đua với thời gian

Dưới sự chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành Trung ương và PVN, BSR đã tích cực triển khai công tác nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Tháng 3 năm 2014, BSR đã trình PVN về xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và kế hoạch làm việc với Công ty Gazprom Neft (Nga). Một thuận lợi là trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vào cuối năm 2013, PVN đã ký Thỏa thuận khung về việc Gazprom Neft tham gia nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất. Đây là bước đi có tính pháp lý cao, thể hiện sự quan tâm của đối tác Nga về các dự án dầu khí ở Việt Nam.

Tiếp đó, trong tháng 4 vừa qua, PVN, BSR và Gazprom Neft đã có buổi làm việc tại Hà Nội về phương án nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng bổ sung. Theo đó, các bên đã thống nhất Gazprom Neft sẽ nghiên cứu thêm một phương án. Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị nâng cấp mở rộng đã được BSR bàn thảo kỹ lưỡng, chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Ngọc - Tổng Giám đốc BSR cho biết, công ty đã hoàn thành báo cáo khả thi chi tiết phương án tối ưu hóa NMLD Dung Quất trình Chính phủ cho chủ trương lấy ý kiến bộ, ngành liên quan. Sau khi vận hành trở lại sau bảo dưỡng tổng thể lần hai, NMLD Dung Quất đang tối ưu hóa sản xuất, đồng thời tiến hành các bước tiếp theo của quá trình mở rộng nhà máy.

Theo tính toán của BSR, việc mở rộng nhà máy lọc dầu, tăng công suất lên 10 triệu tấn/năm cần nguồn vốn khoảng 1,5 - 2,5 tỷ USD, tùy theo cấu hình và công nghệ kỹ thuật. Hiện tại, BSR đang làm việc với Công ty Gazprom Neft (LB Nga) về đề xuất mua 49% vốn điều lệ BSR của Tập đoàn này để triển khai mở rộng nhà máy.

Xác định việc mở rộng NMLD Dung Quất sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy nên tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng diện tích đất từ 300-500ha để phục vụ cho việc mở rộng. Bởi không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà việc mở rộng, nâng cấp NMLD Dung Quất sẽ tác động tích cực trong việc hình thành trung tâm công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam tại KKT Dung Quất, đồng thời tiếp tục tạo lực hút để thu hút các dự án đầu tư vào KKT Dung Quất nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
 

Bài, ảnh: Hoàng Triều


.