Thu hút đầu tư, nhìn từ ngoại giao kinh tế

09:01, 02/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã phát triển hoạt động đối ngoại với nhiều đối tác nhằm mở rộng quan hệ hợp tác phát triển. Nhờ thực hiện ngoại giao kinh tế phù hợp, đã thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Dự án VSIP Quảng Ngãi do VSIP làm chủ đầu tư được khởi công vào tháng 9 năm 2013 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là kết quả của những chuyến ngoại giao con thoi của lãnh đạo hai nước diễn ra ở nhiều cấp.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích trao quà lưu niệm cho Ngài Jimi Shozaburo, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cải cách Bưu điện Nhật Bản nhân chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản tháng 9.2013. Ảnh: H.T
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích trao quà lưu niệm cho Ngài Jimi Shozaburo, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cải cách Bưu điện Nhật Bản nhân chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản tháng 9.2013. Ảnh: H.T


Lễ khởi công dự án VSIP Quảng Ngãi vừa qua mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc đầu tư KCN VSIP Quảng Ngãi sẽ góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm động lực phát triển và việc làm cho người dân Quảng Ngãi và khu vực miền Trung. Đồng thời tin tưởng, với sự nỗ lực chung của Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, VSIP 5 tại Quảng Ngãi sẽ hoạt động thành công, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ đối tác chiến lược, gắn bó, tin cậy và hiệu quả giữa hai nước hiện nay cũng như lâu dài.

Sức hút của VSIP đã được khẳng định. Thế nên, ngay lễ khởi công đã có ba nhà đầu tư đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KCN VSIP Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 115 triệu USD; bao gồm Công ty URC Central của Philippines, Công ty KING Riches Footwear Việt Nam và Công ty dệt may Hebei Xindadong - Trung Quốc. Ba dự án này góp phần thu hút khoảng 11 nghìn lao động, tương đương với số lao động tại hai KCN Quảng Phú và Tịnh Phong hiện nay.
 

Việc khởi công Dự án VSIP Quảng Ngãi quy mô 1.120ha; trong đó 600ha đất công nghiệp nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất và 520ha đất đô thị- dịch vụ gần trung tâm TP.Quảng Ngãi là cơ hội hợp tác mới giữa Quảng Ngãi và đối tác Singapore. Nó đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh thực hiện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore nói chung. Qua sự kiện này, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư của tỉnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài được nâng cao và là minh chứng cụ thể về thành công của công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế.

Cũng trong năm 2013, sau chuyến thăm cấp cao Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối tác Nga là Công ty Gazpromneft (GPN) đề nghị mua 36% cổ phần về việc nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý. Dự kiến, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và GPN sẽ ký thỏa thuận hợp tác đầu tư nâng cấp lên 10 - 12 triệu tấn/năm. Trong đó Gazpromneft đảm bảo nguồn dầu thô. Sự hợp tác này sẽ mở ra một hướng đi mới để NMLD Dung Quất nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trên cơ sở đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quảng Ngãi đã phát triển quan hệ đối ngoại với các địa phương trên thế giới nhằm mở rộng hợp tác hữu nghị, phát triển kinh tế đối ngoại, tìm kiếm thị trường cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hoạt động đối ngoại đã hỗ trợ phát triển quan hệ đa dạng với các đối tác ở nước ngoài, tìm kiếm thị trường cho các nguồn hàng địa phương cũng như tranh thủ các nguồn lực tài chính như vốn, viện trợ, nguồn quỹ ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ…  

Những năm qua, thu hút FDI vào Quảng Ngãi đạt kết quả tích cực. Đến cuối năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD (vốn thực hiện 450 triệu USD). Trong đó, có 11 dự án đã đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho hơn 8,5 nghìn lao động. Đáng chú ý là cùng với dự án VSIP Quảng Ngãi, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất tại KKT Dung Quất, có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Những dự án FDI đã và đang triển khai tại Quảng Ngãi là biểu hiện cho sự hợp tác thành công của tỉnh Quảng Ngãi với các nhà đầu tư nước ngoài.

Xác định các trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Quảng Ngãi đã xúc tiến và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành của các quốc gia này. Trong năm qua, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Fukuoka (Nhật Bản) nhân sự kiện “Ngày Việt Nam ở Nhật Bản năm 2013”; tham dự Diễn đàn kinh tế hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản 2013 được tổ chức tại Hà Nội; tham dự lễ kỷ niệm 48 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Singapore và 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại với khu vực miền Trung Việt Nam tại thủ đô Bangkok và tỉnh Undonthuni (Thái Lan). Có thể nói, công tác ngoại vụ đã thúc đẩy mở rộng quan hệ đối ngoại của các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Huỳnh Thị Phương Hoa- Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho hay, thông qua các kênh ngoại giao, các chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư, kêu gọi viện trợ và đăng cai các sự kiện quốc tế tại tỉnh, công tác đối ngoại của tỉnh đã được tăng cường và mở rộng, đặc biệt ngoại giao phục vụ kinh tế đã phát huy hiệu quả. Qua các chương trình trao đổi, hợp tác ngoại giao này, công tác đối ngoại của tỉnh đã được mở rộng và nâng lên một tầm cao mới. Đó là điều kiện thuận lợi để giúp tỉnh thu hút đầu tư, tăng cường cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp – dịch vụ và du lịch trong những năm đến.


HOÀNG TRIỀU
 


.