Đầu tư phát triển ở các huyện miền núi: Hiệu quả chưa như mong đợi

02:12, 05/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư phát triển cho 6 huyện miền núi. Việc đầu tư cho các huyện miền núi chiếm 30,89% đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều công trình, dự án đầu tại các huyện miền núi đã không mang lại kết quả như mong đợi.
 
Theo báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh,  từ năm 2006 đến năm 2012, tổng vốn đầu tư trên địa bàn 6 huyện miền núi của tỉnh là trên 8.994 tỷ đồng (trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ phát triển là 5.077 tỷ đồng (chiếm 54,46%), chi thường xuyên 3.916 tỷ đồng (chiếm 43,54%). Tổng đầu tư cho 6 huyện miền núi chiếm 30,89% đầu tư của tỉnh.
 
Tập trung ưu tiên đầu tư cho miền núi
 
Trong những năm qua, việc đầu tư cho các huyện miền núi vẫn tập trung vào xây dựng cơ bản. Từ năm 2006-2012, tổng số công trình, dự án được đầu tư xây dựng ở 6 huyện miền núi là 2.232 công trình, với tổng nguồn vốn trên 4.409 tỷ đồng (chiếm 38,68% trên tổng nguồn vốn phân bổ của cả tỉnh). Đây là giai đoạn mà tổng số dự án được ưu tiên đầu tư cho 6 huyện miền núi tăng cao, với số công trình tăng 2,96 lần và nguồn vốn tăng 5,7 lần so với giai đoạn 2000-2005.
 
 
Nhiều tuyến đường ở miền núi được đầu tư, góp phần làm thay đổi bộ mặt của
Nhiều tuyến đường ở miền núi được đầu tư, góp phần làm thay đổi bộ mặt của nơi đây.
 
Điều đáng nói, trong tổng số 2.232 công trình đầu tư ở 6 huyện miền núi thì có tới 2.099 công trình, với tổng số vốn là 3.139 tỷ đồng được giao cho huyện và xã đầu tư. Các dự án còn lại thì do các sở làm chủ đầu tư, với tổng vốn 1.269 tỷ đồng.
 
Phải nói rằng, trong số 2.232 công trình được đầu tư cho 6 huyện miền núi đều được phân chia cho hầu hết các ngành, lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa-thể thao, điện… Qua đó, góp phần đáng kể phát triển kinh tế, tạo bộ mặt khởi sắc cho các huyện miền núi. 
 
Nói về giao thông, trong những năm qua, hạ tầng giao thông ở 6 huyện miền núi đã được đầu tư khá mạnh. Đến năm 2012, 67/67 xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ tăng cường đầu tư hàng trăm công trình thủy lợi, nên đã góp phần tưới cho 14.894 ha (tăng 11.677 ha so với năm 2006). Cùng với đó, trong giai đoạn 2006-2012, các huyện miền núi đã đầu tư 233 công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng ngàn công trình nước sinh hoạt phân tán, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 13.000 hộ dân, từng bước giải quyết được nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh cho nhân dân.
 
Song song với đó, thì công tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cũng được chú trọng. Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, cơ sở vật chất giáo dục miền núi đã được đầu tư tăng thêm 1.150 phòng học, phòng nội trú, bán trú dân nuôi, nhà công vụ… góp phần ổn định và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh.
 
Vẫn còn nhiều bất cập trong phân bổ đầu tư
 
Có thể nói, trong những năm qua, đã có rất nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư đến 6 huyện miền núi trong tỉnh, qua đó góp phần phát triển kinh tế, nâng cao dân trí và làm thay đổi bộ mặt của các huyện miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, việc phân bổ đầu tư cho các lĩnh vực thời gian qua vẫn chưa thật sự hợp lý.
 
Trong các lĩnh vực đầu tư ở huyện miền núi thì đầu tư trong lĩnh vực giao thông chiếm tới 56,47% tổng vốn đầu tư thực hiện; đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 16,34%; đầu tư trong lĩnh vực giáo dục chiếm 9,82%; đầu tư cho y tế chiếm 2,35%; đầu tư cho nước sạch chiếm 2,38% và đầu tư cho văn hóa thể thao chiếm 2,48%.
 
Giáo dục là một trong lĩnh vực đầu tư ít trong những năm qua. (Trong ảnh, trường bán trú dân nuôi do Báo Tuổi trẻ hỗ trợ, tại xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà).
Giáo dục là một trong lĩnh vực đầu tư ít trong những năm qua. (Trong ảnh, Trường bán trú dân nuôi do Báo Tuổi trẻ hỗ trợ, tại xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà).
 
 
Theo đánh giá thì việc xác định chủ trương đầu tư và tỷ lệ phân bổ vốn giữa các lĩnh vực đầu tư cho các huyện miền núi thời gian qua thật sự chưa hợp lý, trong đó lĩnh vực giao thông được đầu tư quá cao, trong khi ngành nông nghiệp là ngành chiếm 50% tỷ trọng nhưng đầu tư cho lĩnh vực này còn quá thấp. 
 
Qua con số trên cũng cho thấy, việc đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cũng còn quá nhiều bất cập, trường lớp, thiết bị phục vụ giảng dạy được đầu tư rất khiêm tốn, trong khi giáo dục là ngành được xác định là quốc sách. Tương tự, lĩnh vực y tế, việc đầu tư cho ngành y tế ở 6 huyện miền núi trong thời gian qua còn quá khiêm tốn, dẫn đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi còn hạn chế.
 
Nhiều công trình, dự án không phát huy hiệu quả
 
Chưa bao giờ, việc đầu tư phát triển cho các huyện miền núi được ưu tiên như trong thời gian qua. Nguồn lực đầu tư cho miền núi ngày càng tăng, giai đoạn 2006-2012, số công trình tăng 2,95 lần, tổng số vốn tăng 5,6 lần so với giai đoạn 2000-2015. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy rất nhiều công trình đầu tư  không phát huy tác dụng, nhiều công trình chưa thật sự cần thiết nhưng vẫn đầu tư; tổng mức đầu tư vượt xa so với thực tế… gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân.
 
Trong lĩnh vực giao thông, đây là lĩnh vực chiếm tỷ lệ vốn lớn nhất với 56,47% tổng vốn đầu tư thực hiện, thế nhưng hiện vẫn còn 8 xã ở huyện miền núi đường về trung tâm xã không thông suốt vào mùa mưa. Trong khi đó, đường về thôn lại được đầu tư quá lớn, gây lãng phí.
 
Cụ thể như đường Làng Tranh, do UBND huyện Minh Long làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án này tới 63,5 tỷ đồng, gồm 2 gói thầu với tổng chiều dài 11,294 km, trong đó gói thầu ở đoạn cuối tuyến đến Làng Tranh dài 5,294 km với kinh phí tới 26,728 tỷ đồng, nhưng chỉ phục vụ cho khoảng trên chục hộ dân.

 

Tuyến đường Làng Tranh, do UBND huyện Minh Long làm chủ đầu tư có số vốn lên tới 93 tỷ đồng
Tuyến đường Làng Tranh, do UBND huyện Minh Long làm chủ đầu tư có số vốn lên tới 63,5 tỷ đồng gây bức xúc trong nhân dân.
 
 
Rồi tuyến đường Giá Gối-Mô Nít, ở huyện Sơn Hà. Tuyến đường này chỉ mới đầu tư cuối tuyến, còn đầu tuyến thì chưa đầu tư được nên không sử dụng được. Ngoài ra, nhiều tuyến đường ở miền núi chỉ mới đầu tư thông tuyến, vẫn là đường đất đá nguyên trạng, vì vậy chỉ qua một vài mùa mưa là xuống cấp và hư hỏng gây rất nhiều khó khăn cho phương tiện lưu thông. 
 
Bên cạnh đó, thì nhiều công trình được nghiệm thu, thanh toán, tính toán sai khối lượng, đơn giá gây lãng phí và thất thoát lớn như đường Ba Chùa-Bến Buôn, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, đường Hà Riềng sai phạm hàng trăm triệu đồng. Chỉ riêng đường Trà Phong- Gò Rô-Trà Bung đã sai phạm trên 2,4 tỷ đồng.
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có nhiều công trình đầu tư nhưng khong phát huy hiệu quả. Qua khảo sát 72/383 công trình nước sinh hoạt thì các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện rất nhiều công trình không phát huy tác dụng, hư hỏng. Như hệ thống nước sinh hoạt cụm xã Long Môn, huyện Minh Long; công trình nước sinh hoạt Gò Chè, xã Long Sơn, huyện Minh Long; công trình nước sinh hoạt Ông Phú, huyện Sơn Tây… 
 
Song song với sự lãng phí các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt thì thời gian qua, việc đầu tư các điểm tái định cư không hợp lý tại các huyện miền núi đã gây lãng phí rất lớn và tiền của và gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều điểm tái định cư xây xong nhưng thiếu hạ tầng, bên cạnh đó do chính sách hỗ trợ di dời cho người tái định cư quá thấp đã khiến người dân không chịu đến ở các khu tái định cư.
 
Như Khu tái định cư Đồng Lau, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ có tổng mức đầu tư 3,285 tỷ đồng nhưng chỉ có 5/13 hộ đến ở; điểm tái định cư xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, có tổng mức đầu tư 845 triệu đồng, nhưng chỉ có 1/40 hộ đến ở; Khu tái định cư La Nong, Trà Bồng, tổng mức đầu tư gần 700 triệu đồng nhưng chỉ có 2/20 hộ đến ở; điểm tái định cư Nước Cây Trường, Trà Bồng có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng, nhưng chỉ có 1/20 hộ đến ở. Nhiều điểm tái định cư không có người đến ở như điểm tái định cư Mang Po, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà…
 
Cần tăng cường công tác giám sát 
 
Ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ngãi cho rằng, thời gian qua, tỉnh ta đã đầu tư rất nhiều cho các huyện miền núi và thực tế cho thấy đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều công trình đầu tư ở huyện miền núi không phát huy hiệu quả, gây lãng phí rất lớn, để xảy ra tình trạng này thì một phần lỗi do công tác quản lý của các ngành, địa phương. 
 
Trong thời gian đến, cũng cần tính toán lại những công trình, dự án đầu tư sao cho hiệu quả. Cần ưu tiên cho những dự án thiết thực, thà chúng ta bỏ thêm vốn để phát huy hiệu quả còn hơn là đầu tư không tới nơi tới chốn rồi hư hỏng phải làm lại. Trong thời gian đến, các ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, có như vậy thì các công trình, dự án đầu tư tại các huyện miền núi mới phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan thì cho rằng: Với nhiều dự án không phát huy hiệu quả thì cũng phải nói rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, bởi nhiều dự được giao cho huyện làm chủ đầu tư, và huyện là địa phương chọn dự án và chịu trách nhiệm với dự án đó. Vì vậy trong thời gian đến cần phải làm rõ trách nhiệm, nếu dự án nào không phát huy hiệu quả thì chủ đầu tư của dự án đó phải chịu trách nhiệm, không thể đổ qua, đổ lại. 
 
Còn Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Thanh Hải thì cho rằng, việc phân cấp, phân quyền quản lý đầu tư chưa được rành mạch, dẫn đến quản lý đầu tư chưa tốt, nhiều vùng khó khăn nhưng chưa được đầu tư. Nhiều chương trình dự án không phải địa phương chọn mà từ Trung ương chọn và đưa về cho địa phương, nên không sát với nhu cầu của địa phương, đây cũng chính là bất cập. Công tác giám sát cũng có vấn đề, bởi rất nhiều công trình, dự án giao do các tổ chức tư vấn, giám sát tư nhân đảm trách nên không đảm bảo. 
 
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa khẳng định, qua giám sát cho thấy các dự án có sai sót không chỉ xảy ra ở miền núi mà ngay cả ở đồng bằng, nhưng không phải dự án nào cũng sai sót mà chỉ có ở một số dự án. Vì vậy, trong thời gian đến, UBND tỉnh sẽ tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tỉnh sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát với những quy định, chế tài rõ ràng, nghiêm túc hơn.
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.