Xây dựng nông thôn mới ở xã Nghĩa Thương: Bài học về "khoan" sức dân

04:10, 10/10/2012
.

(QNg)- Là một xã thuần nông, không có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhưng xã Nghĩa Thương lại được UBND huyện Tư Nghĩa chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới. Tuy mới trải qua những năm tháng đầu tiên thực hiện chủ trương lớn này, nhưng Nghĩa Thương đã gặt hái được nhiều thành công, nhờ nội lực của nhân dân được khơi dậy…

TIN LIÊN QUAN


"Lấy sức dân để lo cho dân"

Chiều thu, chúng tôi được cán bộ xã Nghĩa Thương đưa đi tham quan một số tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng vừa được địa phương "khánh thành" đưa vào sử dụng. Những con đường bê tông rộng, phẳng lì uốn lượn ôm lấy cánh đồng, bờ tre dưới ánh nắng nhạt khiến cho cảnh làng quê ở đây thêm thi vị. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương Tô Văn Hùng chỉ tay về phía cuối cung đường dẫn ra cánh đồng thôn Vạn An, bảo: "Tất cả các con đường, tuyến kênh này đều có sự chung tay đóng góp tiền của, công sức của nhân dân xây dựng. Dù không có quy ước, nhưng nếu là công trình dân sinh thì nhân dân đều ý thức tự nguyện đóng góp. Không có sức dân, chỉ dựa vào ngân sách thì không thể làm nổi".

Rồi ông Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương liệt kê cho chúng tôi những "gương điển hình" trong xây dựng nông thôn mới của xã. Ông Hùng bảo: "Về tập thể có thôn Điện An làm đường điện dài tới mấy kilomet dọc theo tuyến đường vắng tạo thuận lợi cho người đi lại vào ban đêm. Còn cá nhân thì nhiều lắm, trong đó có ông Bùi Hồng Hoanh, ở thôn Điện An 3 đóng góp tiền xây dựng đường giao thông đến gần 60 triệu đồng. Còn chuyện góp tiền làm kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng thì gần như tất cả các hộ dân đều tham gia".

Chiếc cầu bê tông ở Đội 11 xã Nghĩa Thương được nhân dân
Chiếc cầu bê tông ở Đội 11 xã Nghĩa Thương được nhân dân "góp vốn" xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ thi công.


Khi được hỏi về "bí quyết" để vận động nhân dân góp vốn xây dựng nông thôn mới, ông Tô Văn Hùng "khoe" ngay: "Tiền đóng góp của dân, dù một đồng cũng phải công khai rõ ràng thu - chi. Khi dân tin những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi của mình được sử dụng để làm đường cho dân đi, xây mương đưa nước vào ruộng của dân thì dân đồng tình ủng hộ ngay. Tóm lại là phải công khai dân chủ, thì mới "khoan" được sức dân". Chính nhờ làm tốt công tác dân vận, tuân thủ đúng quy chế dân chủ cơ sở mà từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Thương đã huy động được hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, kênh mương, góp phần đổi mới diện mạo nông thôn của xã.

Phát huy nguồn lực tổng hợp

Ông Tô Văn Hùng cho biết: "Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ quán triệt quan điểm là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong trong xây dựng nông thôn mới, nhất là gương mẫu trong hiến đất, đóng góp tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, vận động người thân, hàng xóm hăng hái góp sức xây dựng quê hương". Người có điều kiện kinh tế khá giả đóng góp nhiều; người khó khăn đóng góp ít hơn và đóng thành nhiều đợt. Ở xã Nghĩa Thương, việc đóng góp xây dựng nông thôn mới còn được "vươn" tới các con em làm ăn xa, có điều kiện kinh tế, nhất là con em ở thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng…  "Mô hình" này đã thu hút sự chung tay của con em xa quê, tạo nên một phong trào "hướng về cố hương", đưa mảnh đất họ từng sinh ra và lớn lên đổi thay rõ rệt.

Cả xã Nghĩa Thương hiện nay có 11 tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; hàng chục chiếc cầu tre đã được thay bằng cầu bê tông vững chãi; hầu hết các tuyến đường nông thôn đều được bắt điện sáng mỗi khi đêm về nhờ sự chung tay đóng góp của nhân dân với số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng. Đó là kết quả của công tác "dân vận khéo" mà Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Thương đã dày công thực hiện. Ở xã Nghĩa Thương bây giờ, việc đóng góp xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua giữa làng trên xóm dưới, giữa các dòng họ và các hộ gia đình.

Hôm chúng tôi về xã Nghĩa Thương tìm hiểu "lòng dân" chung tay xây dựng nông thôn mới cũng là lúc chiếc cầu bê tông bắt qua nhánh sông từ đội 11 dẫn ra Quốc lộ 1A đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Nhìn những mẻ bê tông hối hả dưới bàn tay của những người thợ vốn là nông dân chính hiệu của xã cho kịp ngày "hợp long" làm chúng tôi hiểu hơn về "sức mạnh nhân dân" ở nơi đây. Họ cùng bỏ tiền, cùng góp công, cùng thu - chi minh bạch, giám sát chất lượng, chắc chắn sẽ tạo nên một cây cầu vững chãi như mong ước.

Đến thời điểm hiện nay, xã Nghĩa Thương có 7/19 tiêu chí nông thôn mới đã xây dựng hoàn thành. Đó là: Điện, trường học, nhà ở dân cư, hệ thống chính trị, văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự. Từ nay đến hết năm 2013, xã tiếp tục thực hiện thêm các tiêu chí: Cơ sở văn hoá, chợ nông thôn, bưu điện, cơ cấu lao động, môi trường. "Lúc mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã gặp phải rất nhiều khó khăn, lúng túng, do không biết đào đâu ra kinh phí để thực hiện. Cuối cùng các ban, ngành của xã họp và xác định phải "khoan" sức dân để xây dựng nông thôn mới. Từ đó nỗ lực tuyên truyền, hứa với nhân dân sẽ sử dụng đồng tiền của dân đóng góp đúng mục đích và rất mừng là cán bộ gương mẫu, nhân dân hăng hái, cùng nhau tạo ra kết quả rõ rệt" - Bí thư Đảng ủy kim Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương chia sẻ.


THANH NHỊ
 


.